SJD chờ... sáp nhập

(ĐTTCO) - Theo đề án tái cấu trúc Tổng công ty Sông Đà, CTCP Thủy điện Cần Đơn (SJD) là doanh nghiệp nằm trong kế hoạch sáp nhập với các nhà máy thủy điện trực thuộc. Không chỉ có lãnh đạo doanh nghiệp mà ngay cả cổ đông SJD cũng đang nín thở chờ phương án sáp nhập.

(ĐTTCO) - Theo đề án tái cấu trúc Tổng công ty Sông Đà, CTCP Thủy điện Cần Đơn (SJD) là doanh nghiệp nằm trong kế hoạch sáp nhập với các nhà máy thủy điện trực thuộc. Không chỉ có lãnh đạo doanh nghiệp mà ngay cả cổ đông SJD cũng đang nín thở chờ phương án sáp nhập.

Vốn đầu tư thấp

SJD tiền thân là Nhà máy thủy điện Cần Đơn, được đầu tư theo hình thức BOT với công suất ban đầu 77,6 mW, tổng vốn đầu tư 1.035 tỷ đồng và bắt đầu đi vào phát điện từ năm 2004. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm SJD nhận sáp nhập thêm 1 nhà máy, nâng tổng công suất của SJD vào cuối năm 2015 lên 104mW. Hiện tại SJD quản lý tổng cộng 4 nhà máy thủy điện phân bố rải rác từ Bắc vào Nam, gồm Nà Lơi, Ry Ninh II, Hà Tây và Cần Đơn. Tính riêng Nhà máy Thủy điện Cần Đơn, suất đầu tư gần như ở mức thấp nhất trong số các doanh nghiệp thủy điện niêm yết được đầu tư trong giai đoạn 2000-2010 (đạt 13,3 tỷ đồng/MW). Sau khi sáp nhập thêm Ry Ninh II, Nà Lơi và Hà Tây, suất vốn đầu tư bình quân tất cả nhà máy của SJD đạt 15,5 tỷ đồng/MW, vẫn ở mức tương đối thấp so với ngành.

Theo truyền thống hợp nhất các công ty con trước đây của SJD đều với tỷ lệ 1:1. Do vậy, nếu Sê San 3A và Nậm Chiến sáp nhập vào SJD theo tỷ lệ 1:1, vốn điều lệ của SJD sẽ lên đến 1.298 tỷ đồng và có thể duy trì tỷ lệ cổ tức 20%.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới suất đầu tư của một nhà máy thủy điện như công nghệ, vị trí, thời điểm đầu tư... Đối với Cần Đơn, nguyên nhân khiến cho nhà máy có suất đầu tư thấp do vị trí được đặt ngay sau nhà máy Thác Mơ trên thượng nguồn sông Bé. Khi nhà máy ở thượng nguồn xả nước để phát điện nước sẽ chảy về nhà máy ở hạ lưu. Do vậy nhà máy ở hạ lưu như Cần Đơn chỉ cần xây dựng hồ chứa tích trữ theo tuần và tận dụng lượng nước từ nhà máy ở thượng lưu, nên chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng thấp hơn. Nhờ có suất đầu tư thấp nên định mức chi phí khấu hao trên mỗi đơn vị sản lượng kWh của SJD cũng rất thấp. Chi phí khấu hao chiếm khoảng 40-70% trong cơ cấu giá thành sản xuất của doanh nghiệp thủy điện, tùy theo giai đoạn. Chính vì vậy, dù áp dụng khấu hao theo sản lượng (thời gian khấu hao nhanh hơn) nhưng định mức chi phí khấu hao của SJD vẫn thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp cùng ngành.

Một lợi thế nữa của SJD là áp lực nợ vay thấp. Theo thống kê, trong số 4 nhà máy, Ry Ninh II và Nà Lơi đã hết nợ từ năm 2013, Cần Đơn còn khoản vay 4,9 triệu USD từ ADB với lãi suất thấp (chiếu theo lãi suất LIBOR khoảng 1,25%/năm + 1% phí trả cho Tổng công ty Sông Đà). Chỉ Hà Tây do mới phát điện từ tháng 7-2015 nên còn 152,2 tỷ đồng vay từ Agribank. Đặc biệt, SJD luôn duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác như tiền gửi, trái phiếu. Cụ thể, SJD thường xuyên trả cổ tức trên 20% mỗi năm, trong đó, tỷ lệ cổ tức năm 2015 là 25% và kế hoạch 2016 là 25% (tương đương tỷ suất cổ tức/thị giá vào khoảng 9,12%).

Lo ngại hiệu suất đầu tư giảm

Theo đề án “Tái cấu trúc Tổng công ty Sông Đà giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn đến năm 2020” đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, SJD là đơn vị được lựa chọn để sáp nhập với các nhà máy thủy điện trực thuộc Tổng công ty Sông Đà. Tính đến nay, Sông Đà đã tiến hành thoái vốn toàn bộ tại các CTCP thủy điện Bình Điền và Trà Xom cùng một phần vốn tại CTCP Sông Đà Hoàng Liên (từ công ty con xuống công ty liên kết sở hữu 13,82%), cũng như CTCP Điện miền Trung (từ 36% xuống 16,41%). Do đó, sẽ chỉ còn 3 công ty thuộc tổng công ty dự kiến sáp nhập vào SJD là Sê San 3A, Nậm Chiến và Hương Sơn.

Theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), trong 3 công ty có thể sáp nhập vào SJD, Sê San 3A có hiệu quả khá tốt và là đơn vị được định hướng sẽ sáp nhập tiếp theo vào SJD. Sê San 3A có suất vốn đầu tư thấp (18 tỷ đồng/mW), giá bán điện tương đối tốt (814 đồng/kWh) và đã đi vào hoạt động được 9 năm. Trong khi 2 nhà máy còn lại mới đi vào hoạt động được 3-5 năm nên chi phí lãi vay vẫn ở mức cao, đồng thời suất vốn đầu tư của 2 nhà máy này cao hơn khá nhiều so với Sê San 3A và các nhà máy khác thuộc SJD. ĐHCĐ thường niên năm 2015 của SJD đã thông qua chủ trương sáp nhập Sê San 3A vào SJD, nhưng đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện, do cổ đông của Sê San 3A cho rằng Sê San 3A hoạt động hiệu quả hơn và sẽ bị thiệt khi sáp nhập vào SJD. Ngược lại, Nậm Chiến mới đi vào hoạt động từ năm 2013, có suất vốn đầu tư lớn gấp 2,2 lần so với bình quân suất vốn đầu tư các nhà máy của SJD (14,5 tỷ đồng/mW), trong khi giá bán điện không cao, chỉ đạt 737 đồng/kWh. Số liệu kết quả kinh doanh gần nhất của Nậm Chiến năm 2013 với doanh thu đạt 567 tỷ đồng và 11 tỷ đồng lợi nhuận, tương ứng biên lợi nhuận ròng chỉ đạt 2%.

Trong khi đó, Tổng công ty Sông Đà nắm giữ 17,4 triệu CP tại Hương Sơn (tương đương 61%). Tuy nhiên Sông Đà đang rút dần vốn và đã đăng ký bán tổng cộng 6,4 triệu CP kể từ tháng 10-2015 nhưng hiện mới chỉ bán được gần 558.000 CP. Nếu toàn bộ 6,4 triệu CP này được thoái vốn hết, Sông Đà sẽ chỉ chiếm khoảng 39% tại Hương Sơn và sẽ không thể tiến hành sáp nhập nhà máy này vào SJD. Nếu điều này xảy ra đây là yếu tố tích cực đối với SJD, bởi Hương Sơn có suất vốn đầu tư cao, tỷ lệ vay nợ lớn, lợi nhuận chưa phân phối đang âm 15,8 tỷ đồng và các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động thấp hơn nhiều so với SJD.

Các tin khác