Qua một thời gian trao đổi và làm việc với Ichcap-Unesco (Trung tâm mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trực thuộc UNESCO), cùng gợi ý của nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm, nhóm đã lựa chọn chủ đề “Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam” làm chủ đề lưu trữ trên ichLinks (www.ichlinks.com) - nền tảng thông tin về di sản văn hóa phi vật thể tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhóm đã chọn 15 kiểu nhân vật điển hình trong hát bội để mô tả (hóa trang, kỹ thuật diễn xuất), lưu trữ (chụp ảnh, quay phim). Dự án ý nghĩa này có sự hỗ trợ nhiệt tình từ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM. Cultura Fish hy vọng, cách làm trên sẽ giúp các bạn trẻ có hứng thú với nghệ thuật hát bội có thể dễ dàng “coi hát”, bước đầu tiếp cận với bộ môn nghệ thuật mang đậm hồn dân tộc.
Dự kiến, toàn bộ sản phẩm của dự án sẽ được “trình làng” trên nền tảng ichLinks (www.ichlinks.com), website Cultura Fish (www.culturafish.com) vào tháng 12-2021 với phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Trong tháng 11-2021, nhóm cũng sẽ đẩy mạnh nhiều hoạt động và nội dung liên quan đến hát bội.
Theo nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm, cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, sân khấu hát bội tích hợp trong nó những giá trị thẩm mỹ thể hiện bản sắc của dân tộc Việt, phản ánh đời sống, tâm tư và những khát vọng nhân văn của con người Việt. Vậy nên việc gìn giữ nghệ thuật hát bội, chung sức góp phần quảng bá và lưu truyền loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc này là điều phải làm, càng có ý nghĩa khi được thế hệ trẻ đồng tâm, chung sức thực hiện.
Hoạt động của dự án “Hát bội 101” gồm các bài viết và infographic (đồ họa thông tin) được đăng tải trên website, trang facebook của Hiếu Văn Ngư. Nội dung chú trọng đến lịch sử, đặc điểm của hát bội, cách thưởng thức hát bội… được biên soạn với sự tham gia của nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó là trao đổi nhóm trải nghiệm các chất liệu của hát bội như: vẽ mặt, y quan, phục trang, âm nhạc; chương trình tọa đàm với sự dẫn dắt của nhà nghiên cứu để giới thiệu và giải đáp thắc mắc xoay quanh hát bội một cách dễ tiếp cận nhất; tổ chức lớp thưởng thức “Hát bội 101” (online và offline); hoạt động nghiên cứu và lưu trữ (ghi hình, thu âm, chụp ảnh) hát bội để làm nguồn tham khảo cho khán giả có thể ứng dụng và sáng tạo với các chất liệu văn hóa được đăng trên website của Hiếu Văn Ngư.