Số hóa thông tin tài sản nhà, đất

(ĐTTCO) - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) vừa ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong việc thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Số hóa thông tin tài sản nhà, đất

Tại buổi công bố hợp tác, C06 cho biết đang tham mưu và phối hợp với các đơn vị để có giải pháp minh bạch thị trường bất động sản thông qua kế hoạch định danh số nhà, triển khai sàn giao dịch bất động sản quốc gia cho phép định danh cá nhân, tổ chức giao dịch.

C06 cho rằng, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán… có những diễn biến phức tạp. Nhiều đại án cũng liên quan đến thị trường bất động sản, lợi dụng những dự án bất động sản để thực hiện hành vi phạm tội. Việc định danh số nhà, số căn hộ sẽ tạo ra mạng lưới định danh bất động sản gắn với mỗi công dân.

Đây là cơ sở dữ liệu để những đơn vị trung gian khác (bưu điện, chuyển phát nhanh...) khai thác, sử dụng khi giao nhận hàng đảm bảo được chính xác nhất. Đồng thời, việc định danh số nhà, số căn hộ cũng giúp minh bạch thị trường bất động sản, như xác định được chủ tài sản có bao nhiêu bất động sản.

Qua đó phòng, chống hiệu quả tội phạm liên quan tới bất động sản, tạo động lực, nền tảng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Thực tế, trong thời đại số phát triển như vũ bão hiện nay, thì việc ứng dụng công nghệ, kết nối dữ liệu dân cư liên thông với thông tin nhân thân và các tài sản gắn với cá nhân, tổ chức là điều tất yếu. Số hóa thông tin về tài sản, định danh cá nhân về tài sản cũng là điều kiện thuận lợi để các chủ sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ, Nhà nước thuận lợi trong công tác quản lý.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện số hóa dữ liệu để quản lý, minh bạch thị trường bất động sản cần thực hiện có lộ trình, áp dụng công nghệ ra sao để tránh lãng phí, đảm bảo hiệu quả, mang lại lợi ích thực tế cho người dân, tránh phiền hà. Nếu đầu tư chi phí, công nghệ và cả nhân lực cho việc định danh số nhà, tài sản chỉ để giao hàng thì mục tiêu này chưa hợp lý, thậm chí còn gây tốn kém.

Thực tế nhiều người có nhà cho thuê hoặc có nhiều bất động sản, khi giao nhận hàng không nhất thiết phải chuyển cho chủ nhà. Ngược lại, những đơn vị giao hàng, người giao hàng, bưu kiện thường sẽ liên hệ số điện thoại người nhận, chứ không cần biết chủ sở hữu bất động sản đó là ai.

Bên cạnh đó, việc định danh số nhà, bất động sản cũng là công việc khá nhạy cảm vì liên quan tới quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ công chức, viên chức… Do đó, việc định danh số nhà, bất động sản mà không kiểm soát được tình trạng đứng tên hộ bất động sản để lợi dụng làm việc phi pháp khác thì việc định danh trên cũng chỉ là tương đối.

Trong quá trình tham mưu, tổ chức thực hiện định danh số nhà, bất động sản cần có kế hoạch cụ thể; có kế hoạch tuyên truyền tốt để dư luận hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của chủ trương này. Bên cạnh đó, các bộ, ngành như Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ VH-TT-DL, Bộ Công an… cần có hướng dẫn để thống nhất giải pháp thực hiện quản lý số nhà, đánh số và gắn biển.

Trong đó, quan trọng nhất là Bộ TN-MT và Bộ Công an có liên thông dữ liệu về đất đai và dữ liệu thông tin chủ sở hữu đất để thực hiện.

Các tin khác