Sợ… khuyến mại

Cái cảm giác mong ngóng, chờ đợi đến dịp lễ, tết hoặc sinh nhật các thương hiệu để có thể mua hàng giảm giá đã quá nhàm với người tiêu dùng. Vì giờ đây, đi đến đâu từ ngoài đường phố, đến siêu thị, trung tâm thương mại, trong các hội chợ cũng thấy nhan nhản các biển hiệu giảm giá, khuyến mại.

Về nguyên tắc, hàng khuyến mại càng nhiều, người tiêu dùng càng được hưởng lợi. Song trên thực tế, người tiêu dùng đang tỏ ra ngán ngẩm, thậm chí sợ các chương trình khuyến mại khủng vì rất có thể đấy là cái bẫy mà nếu không cẩn trọng họ sẽ dễ dàng vướng vào.

Kiểu khuyến mại như “giảm giá 50% 2 ngày cuối cùng”, “1 tuần siêu giảm giá”, “thanh lý hàng sang nhượng mặt bằng”… đang bị người tiêu dùng bóc mẽ. Theo nhiều chủ hàng, khi để thời gian vào chương trình khuyến mại sẽ thu hút khách hơn do khách hàng lo sợ hết thời hạn sẽ không còn mua được nữa.

Nhưng không ít người tiêu dùng té ngửa khi hàng đã mua cả tuần nay nhưng đi qua cửa hiệu vẫn thấy biển “giảm giá 50% 2 ngày cuối cùng”. Và cũng không biết khi nào mới thực sự là 2 ngày cuối. Cùng với cảm giác bị đánh lừa là nỗi lo mua phải hàng kém chất lượng.

Thực tế, khi tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mại là DN muốn xả hàng tồn kho nhưng đó phải là hàng còn tốt, còn sử dụng được và đúng thương hiệu của DN đó chứ không phải kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Một thương hiệu thời trang nổi tiếng từng tung chiêu giảm giá 80% nhưng khi khách mua về mới phát hiện ra hàng không phải của thương hiệu đó mà là hàng chợ được mua về, gắn mác lại.

Những nỗi lo khi mua hàng khuyến mại hiện nay của người tiêu dùng nhiều không kể siết. Lo sản phẩm bị nâng giá thật cao rồi treo biển hạ giá hoặc tặng kèm những quà tặng không có giá trị của người tiêu dùng không phải vô căn cứ.

Không chỉ cảnh giác với các chiêu khuyến mại khi mua hàng thực mà người tiêu dùng còn hết sức lo lắng với các chiêu khuyến mại trên mạng internet bởi trên thực tế không ít vụ lừa đảo lớn đã diễn ra theo kiểu người mua, người bán không rõ mặt nhau.

Hiện nay, theo quy định, các chương trình khuyến mại đăng ký tại Sở Công Thương, Bộ Công Thương và được giám sát bởi cơ quan này. Nhưng có vẻ như chỉ các DN lớn, nhãn hiệu có uy tín mới thực hiện nghiêm túc. Còn đa số các DN, cửa hàng nhỏ lẻ tự treo bảng giảm giá, không ai kiểm tra giá gốc, thời gian giảm giá.

Thế nên cái cảnh khuyến mại thực, ảo lẫn lộn vẫn ngang nhiên diễn ra. Nếu không cảnh giác, chọn các thương hiệu có uy tín người tiêu dùng dễ bị lừa hoặc phải vướng vào vô số điều phiền toái nếu muốn mua được hàng giá rẻ. Đành rằng trong lúc kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, DN muốn bán được hàng phải tung ra nhiều chương trình khuyến mại để kích tiêu dùng.

Nhưng DN phải nghiêm túc nhìn nhận lại các chương trình khuyến mại của mình, đừng làm ăn theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, vì như vậy trước sau cũng sẽ bị người tiêu dùng quay lưng.

Các tin khác