Số người tham gia bán hàng đa cấp giảm 50%

(ĐTTCO)-Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, sau khi các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp thanh tra, xử phạt, số người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn đã giảm mạnh.

(ĐTTCO)-Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, sau khi các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp thanh tra, xử phạt, số người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn đã giảm mạnh.

Gần 50% từ bỏ bán hàng đa cấp

Trước diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp, các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, sàng lọc các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán hàng đa cấp.

Theo số liệu báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tại địa bàn Thủ đô 6 tháng đầu năm 2016 đã giảm tới 47% so với cuối năm 2015.

Nếu như cuối năm 2015 số lượng người tham gia hoạt động này là 201.373 người thì hết tháng ​Sáu vừa qua chỉ còn 107.451 người.

 

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo ​đã bị xử phạt với mức cao nhất là tước giấy phép hoạt động.

Tính đến hết ngày 30/11, trên địa bàn chỉ còn 36 doanh nghiệp hoạt động, giảm 21 doanh nghiệp so với năm 2014.

Trong số đó, có 11 doanh nghiệp bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, 8 doanh nghiệp thông báo chấm dứt hoạt động và 2 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động.

Vẫn cần nhiều giải pháp quản lý

Từ thực tế kiểm tra, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hoạt động bán hàng đa cấp vẫn diễn biến khó lường, trong đó một số doanh nghiệp và thành viên lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người dân để hoạt động trái phép, dẫn đến nguy cơ gây mất ổn định trật tự xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho ​hay, thời gian qua, cơ quan này đã nhận được một số đơn thư của người dân phản ánh, khiếu nại, tố cáo về dấu hiệu vi phạm, lừa đảo, trục lợi người dân của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp.

Kết quả, trong 11 tháng đầu năm, thanh tra Sở Công thương đã kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 2 doanh nghiệp.

Phía Sở Công Thương cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với 22 doanh nghiệp và 5 cơ sở kinh doanh (là địa điểm hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngọc Minh Uy) với tổng số tiền xử phạt hành chính gần 1,6 tỷ đồng​...

Trong khi Cục Thuế Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2016 đã truy thu và phạt 19 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

"Có sự biến tướng, dẫn đến lừa đảo trong hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp như tham gia bán hàng nhưng không có hàng, nấp dưới danh nghĩa bán hàng hóa theo phương thức đa cấp để huy động tài chính, thậm chí là kinh doanh tiền ảo dựa trên phương thức bán hàng đa cấp," lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội ​nêu rõ.

Trước những biến tướng của hoạt động ​này, ​ông Hải đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công An tiếp tục vào cuộc điều tra, xác minh ​các doanh nghiệp lợi dụng đa cấp để làm ăn bất chính​. Đồng thời xem xét sửa đổi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP (Nghị định số 185/2013/NĐ-CP cũ) theo hướng tăng mức xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp và bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm của địa phương.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng kiến nghị các bộ, ngành thường xuyên trao đổi thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động kinh doanh trái phép để các cơ quan địa phương nắm bắt và thực hiện công tác quản lý đối với doanh nghiệp, qua đó tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân ​nhằm tránh ​bị lợi dụng và trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo.

Các tin khác