Số vụ vi phạm Luật cạnh tranh bị xử lý quá ít

(ĐTTCO) - Trong một nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế tập thể sang kinh tế thị trường hiện đại, số vụ vi phạm luật cạnh tranh đang diễn ra hàng ngày. Nhưng những vụ việc được cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh xử lý trong thời gian qua quá ít.
Số vụ vi phạm Luật cạnh tranh bị xử lý quá ít
Số liệu được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ghi nhận, trong giai đoạn 2005-2016, số vụ vi phạm chính sách cạnh tranh được cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh điều tra chính thức 8 vụ, số vụ điều tra tiền tố tụng 87 vụ, số vụ vi phạm Luật Cạnh tranh được Hội đồng cạnh tranh quốc gia tiến hành xử lý 6 vụ, số DN bị điều tra 70 DN, tiền phạt và phí xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường khoảng 5,5 tỷ đồng.
Nhiều văn bản hạn chế cạnh tranh
Điều đáng lưu ý trong thực thi pháp luật về cạnh tranh hơn 10 năm qua là không chỉ các DN có hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng bị phát hiện ban hành các văn bản hạn chế sự cạnh tranh trên thị trường.
Theo TS. Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, hiện có 2 cơ quan thực thi pháp luật về cạnh tranh là Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh quốc gia. Những năm qua các cơ quan này đã thực hiện xử lý một số DN vi pháp pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh của một số DN nhằm trục lợi trên thị trường.
Thí như vụ việc Công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam (Vinapco) lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí kinh doanh độc quyền để làm khó các DN hàng không. Đây là vụ hạn chế cạnh tranh đầu tiên được điều tra và xử lý vào tháng 4-2008 khi Vinapco (một công ty con của Vietnam Airlines) là DN độc quyền cung cấp xăng dầu hàng không, đã từ chối cung cấp nhiên liệu bay cho Jetstar Pacific. Hệ quả của hành động phi cạnh tranh này là nhiều chuyến bay của Jetstar Pacific bị ngưng trệ, phải hủy chuyến. 
Trước thực trạng này, Cục Quản lý cạnh tranh đã vào cuộc điều tra và xử phạt Vinapco 3 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu Vinapco tách độc lập khỏi sự kiểm soát của Vietnam Airlines để phá thế độc quyền kinh doanh.
Cũng trong năm 2008 các cơ quan quản lý cạnh tranh cũng phát hiện và xử lý vụ việc 19 DN bảo hiểm, chiếm 99,79% thị phần trên thị trường bảo hiểm vật chất xe ô tô tại Việt Nam, bắt tay nhau, ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới, thống nhất biểu phí bảo hiểm ô tô. Hành vi này làm tăng 15% mức phí bảo hiểm xe cơ giới thời điểm đó.
Một trường hợp cạnh tranh không lành mạnh khác cũng được phát hiện, đó là Heineken thỏa thuận với Tiger để ngăn cản DN khác kinh doanh bia tại khu vực miền Trung những năm qua cũng được cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện và xử lý. Cụ thể, cơ quan quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận khiếu nại của nhà sản xuất Laser Beer, nhãn hiệu bia tươi đóng chai đầu tiên của Việt Nam về việc 2 nhà sản xuất bia nước ngoài Heineken, Tiger có hành vi gây sức ép với các cửa hàng bán lẻ và quán bia để ký các hợp đồng độc quyền với điều khoản ngăn cản đối thủ cạnh tranh được bán và tiếp thị sản phẩm ở những địa điểm tiêu dùng bia chính.
Sau khi cơ quan quản lý cạnh tranh vào cuộc đã xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Heineken và Tiger, và trả lại thị trường cho các nhà sản xuất bia khác cùng tham gia phân phối. 
Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, số vụ việc cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường những năm qua không ngừng tăng lên. Số vụ việc cạnh tranh không lành mạnh được cơ quan quản lý cạnh tranh tiếp nhận qua các năm như sau: năm 2006 có 8 vụ, năm 2007 có 14 vụ, năm 2008 có 15 vụ, năm 2009 có 19 vụ, năm 2010 có 68 vụ, năm 2011 có 89 vụ, năm 2012 có 43 vụ, năm 2013 có 45 vụ, năm 2014 có 2 vụ, năm 2015 có 16 vụ, năm 2016 có 18 vụ. Tổng số hồ sơ vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh được cơ quan chức năng tiếp nhận trong 11 năm qua là 330 hồ sơ, trong đó đã xử lý 182 hồ sơ; xử lý 62% quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh, xử phạt 2,2 tỷ đồng.
Không chỉ có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ các DN được phát hiện, xử lý, những năm qua cơ quan quản lý cạnh tranh đã phát hiện nhiều trường hợp cơ quan quản lý nhà nước cũng có hành vi hạn chế cạnh tranh. Đó là trường hợp Sở GDĐT Hà Nội đề nghị các trường học chỉ nên tham gia bảo hiểm với 5 DN bảo hiểm.
UBND tỉnh Nghệ An và một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, người dân, địa phương ưu tiên sử dụng bia Sài Gòn, Hà Nội, Vida để tiếp khách. UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan nhà nước tại địa phương phải sử dụng xi măng Xuân Thành. Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị địa phuơng phải sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua ngân hàng do Techcombank cung cấp…
Khuyến khích cạnh tranh ở mọi cấp độ
Để khắc phục những hạn chế hiện nay, một chính sách cạnh tranh quốc gia mới đang được tổ soạn thảo hoàn tất để trình Chính phủ thông qua vào cuối năm nay. Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi) cũng đang được hoàn tất để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Dự kiến Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp lần thứ 4 sẽ diễn ra trong tháng 10.
Bình luận về việc áp dụng chính sách cạnh tranh trong hơn 10 năm qua, ông Đoàn Tử Tích Phước, một chuyên gia nghiên cứu về chính sách cạnh tranh, nhận định việc thực thi Luật Cạnh tranh 13 năm chỉ có 8 vụ được cơ quan quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra chính thức là quá ít,  kết quả điều tra cũng rất yếu. Đạo luật này được xây dựng theo kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế thị trường hiện đại như Anh, Mỹ, Nhật Bản… là bất hợp lý, vì các nước này không cùng đẳng cấp và điều kiện thực tiễn như Việt Nam. Họ có cả trăm năm phát triển kinh tế thị trường, trong khi Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, vì vậy chính sách cạnh tranh quốc gia cần được xây dựng trên cơ sở thực tế Việt Nam.
“Các nước phát triển, thị trường đã phát triển hàng trăm năm, có nền kinh tế độc quyền bị cho phối bởi các DN lớn. Nên chính sách của họ hạn chế sự độc quyền của các DN lớn. Với Việt Nam sau 30 năm đổi mới vẫn là một nền kinh tế chuyển đổi, có xu hướng ngược từ nền kinh tế một mình nhà nước kinh doanh nay sang một thị trường cạnh tranh với nhiều chủ thể. Nên chính sách cạnh tranh của Việt Nam cần khuyến khích cạnh tranh, đây chính là trọng tâm chính sách cạnh tranh thời gian tới” – ông Phước phân tích.
Muốn vậy cần mở cửa thị trường để tạo ra những DN mới. Phải chia nhỏ DN đã có, như câu chuyện của EVN đang chia nhỏ gồm sản xuất, phân phối, và bán buôn. Không chỉ tạo nhiều người chơi thị trường mà phải khuyến khích sự đối nghịch DN nhằm tạo ra động lực cạnh tranh. Ngày nào các DN còn có ông chủ Nhà nước sẽ rất khó cạnh tranh. Như vậy khác nào tay phải đánh tay trái, cuối cùng cả hai tay đều rụt lại. Thị trường viễn thông thời gian qua cho thấy biểu hiện này, khi có vấn đề các DN như Viettel, Mobiphone, Vinaphone chạy lên Bộ Thông tin -Truyền thông, lên Thủ tướng tìm hướng giải quyết. 
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cạnh tranh là linh hồn, là nền tảng kinh tế thị trường. Không có cạnh tranh không thể có kinh tế thị trường. Mức độ cạnh tranh càng lớn, càng công bằng, thể hiện cấp độ phát triển thị trường. Cạnh tranh là động lực cho mọi chủ thể tham gia thị trường lựa chọn phương án tốt nhất. Cạnh tranh cũng là động lực thúc đẩy đạt được hiệu quả phân bổ nguồn lực, trong dài hạn nó tạo động năng, làm cho nền kinh tế năng động hơn, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn.
“Chúng ta đừng sợ cạnh tranh, đừng lo lắng cạnh tranh quá nhiều, mục tiêu làm chính sách là cạnh tranh càng nhiều càng tốt, vì nó đạt được hiệu quả tối đa trong nền kinh tế” - TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Các tin khác