Thanh tra TPHCM vừa thông báo kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều thiếu sót, vi phạm của Sở Xây dựng TPHCM trong việc thẩm định dự án, giai đoạn 2018-2019.
Thanh tra TPHCM nhận định nhu cầu nhà ở tối thiểu cần tăng thêm của TP giai đoạn 2016-2020 là 39.133.000 m2 sàn. Vì vậy, công tác thẩm định của Sở Xây dựng là yêu cầu không thể thiếu, để phát triển nhà ở đảm bảo quy hoạch đồng bộ với phát triển hạ tầng và bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng còn có một số thiếu sót, vi phạm.
Như một số dự án chưa đủ thành phần hồ sơ; một số nội dung trong hồ sơ dự án không có trong tờ trình UBND TPHCM; một số dự án không được Sở Xây dựng thẩm định, hoặc thẩm định không đảm bảo điều kiện năng lực tài chính, kinh nghiệm của chủ đầu tư, cũng như sự phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và quy hoạch...
Đáng lưu ý, Thanh tra TP chỉ ra có 3 dự án chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính (vốn thấp nhưng khai cao) vẫn được Sở Xây dựng thẩm định. Tờ trình của Sở Xây dựng cũng không thể hiện chính xác việc đảm bảo quyền sử dụng đất dự án.
Thanh tra TP kết luận có đến 17/26 dự án trong tờ trình của Sở Xây dựng không xác định cụ thể chủ đầu tư phải thực hiện điều tiết nhà ở xã hội theo hình thức nào, thời gian thực hiện. Chưa kể, công tác thẩm định, quyết định đầu tư các dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách của Sở Xây dựng còn có những sai sót, vi phạm về chi phí quản lý dự án, chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc và cơ cấu sử dụng đất...
Có những dự án chậm thực hiện thì Sở Xây dựng lại tham mưu UBND TPHCM cho điều chỉnh thời gian, tiến độ mà không đề xuất xử lý theo quy định.
Theo Thanh tra TP, những thiếu sót, vi phạm này trách nhiệm chính thuộc về các cán bộ trực tiếp thụ lý hồ sơ và Phó giám đốc sở phụ trách. Riêng Giám đốc Sở Xây dựng từng thời kỳ liên quan chịu trách nhiệm người đứng đầu.
Từ kết quả thanh tra, Chủ tịch UBND TPHCM giao Giám đốc Sở Xây dựng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Đồng thời, Chủ tịch UBND TPHCM cũng giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát 6 trường hợp chậm sử dụng đất để xử lý theo quy định.