TPHCM đã dự trữ 120.000 tấn hàng hóa, siêu thị tăng thời gian mở cửa khi giãn cách theo Chỉ thị 16

(ĐTTCO) - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM khẳng định 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động chỉ là thay đổi cách mua bán. Thành phố đã dự trữ khoảng 120.000 tấn hàng. Thực phẩm sẽ không thiếu cho người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

 

TPHCM đã dự trữ 120.000 tấn hàng hóa, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào;người dân không cần mua sắm lo tích trữ. Ảnh: Thanh niên.
TPHCM đã dự trữ 120.000 tấn hàng hóa, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào;người dân không cần mua sắm lo tích trữ. Ảnh: Thanh niên.

Chợ đầu mối tạm dừng hoạt động nhưng tiểu thương không dừng mua bán

Tại buổi thông tin về việc cung ứng hàng hóa thiết yếu tại TPHCM sau khi tạm đóng cửa giao dịch trực tiếp 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức để phòng dịch, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, khẳng định nguồn hàng hóa tại TP vẫn dồi dào, người dân không nên hoang mang.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động không có nghĩa là hàng hóa sẽ không được về TPHCM. Chỉ là tiểu thương thay đổi cách mua bán, từ tập kết tại chợ đầu mối thành phân phối trực tiếp về chợ truyền thống, qua kênh online, đặt hàng qua điện thoại...

Theo ông Vũ, hiện nguồn hàng hóa từ các tỉnh, thành về TPHCM dồi dào, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ dự trữ nguồn hàng đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân.

Theo đó, với lượng hàng cung ứng, các doanh nghiệp bình ổn và một số đơn vị của thành phố đã dự trữ gấp 3 lần mức bình thường, với hơn 120.000 tấn hàng, riêng Saigon Co.op đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng. Trong khi nhu cầu hàng ngày tại thành phố khoảng 5.000-6.000 tấn/ngày.
Bên cạnh tổ chức duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về một cách an toàn, lưu thông thông suốt; Sở Công thương tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại và truyền thống.
Hiện thành phố có 106 siêu thị đang hoạt động, 112 cửa hàng lớn chuyên kinh doanh thịt gia súc, hơn 2.469 siêu thị mini, cửa hàng tiện ích và 28.700 cửa hàng bách hóa. Bên cạnh đó còn hệ thống mua sắm trực tuyến của 17 siêu thị, nhà phân phối lớn; các điểm bán hỗ trợ, đi chợ thay cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng, mua sắm trực tuyến.

Sở Công Thương TPHCM cũng sẽ tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại, đồng thời siết chặt các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch.

TPHCM đã dự trữ 120.000 tấn hàng hóa, siêu thị tăng thời gian mở cửa khi giãn cách theo Chỉ thị 16 ảnh 1 Ngoài nguồn hàng chuẩn bị đảm bảo, các siêu thị sẽ tăng thời gian mở cửa để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân thành phố. Ảnh: TN
Về giá, đối với các mặt hàng thiết yếu, Giám đốc Sở Công thương cho biết thành phố có chương trình bình ổn thị trường, doanh nghiệp bình ổn có nhiệm vụ cung ứng hàng hóa với giá bình ổn, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. 

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết sau khi chợ này đóng cửa từ ngày 28-6, các tiểu thương vẫn giao dịch trực tiếp qua điện thoại và thuê mặt bằng dọc quốc lộ 22 để bán, rồi giao trực tiếp. Thay vì đưa hàng đi các tỉnh thì giờ tiểu thương tập trung cho các mối trong thành phố.

Ông cho biết tổng sản lượng hàng về đến các tiểu thượng chợ Hóc Môn hiện khoảng 1.000 tấn thịt và rau, củ, quả mỗi ngày, không lo thiếu hàng hóa.

Siêu thị sẽ tăng thời gian mở cửa, người dân không lo thiếu hàng hóa, thực phẩm
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho biết kể từ khi có thông tin tạm đóng các chợ đầu mối, đã có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tạo nên khan hiếm cục bộ tại một số siêu thị, điểm bán lẻ. Việc tập trung lượng người mua sắm tại cùng một thời điểm đã tạo nên sự thiếu hụt nhất định. 
Để giải quyết việc này, Sở đã làm việc với các siêu thị, doanh nghiệp sản xuất và khuyến khích hệ thống phân phối mở rộng mạng lưới phân phối, kéo dài thời gian hoạt động của các điểm bán hàng.
TP Thủ Đức và các quận - huyện cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở các kênh bán hàng trực tuyến, đi chợ thay cho người lớn tuổi,…
Giám đốc Sở Công thương khẳng định, với nguồn cung ứng dồi dào và các kênh phân phối đa dạng, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong tất cả các tình huống.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết doanh nghiệp trữ 12 nhóm hàng thiết yếu, bình ổn và thực hiện lưu trữ duy trì cả năm. 12 nhóm hàng này sẽ không thay đổi giá. Sản lượng dự trữ có thể cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân từ 1-3 tháng.

TPHCM đã dự trữ 120.000 tấn hàng hóa, siêu thị tăng thời gian mở cửa khi giãn cách theo Chỉ thị 16 ảnh 2 Không chỉ hệ thống bán lẻ hiện đại, chợ truyền thống đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu người dân, người nghèo thành phố cũng sẽ không lo thiếu thực phẩm. Ảnh: VNE 
Theo ông Đức, do nhu cầu mua sắm tăng mạnh nên việc thiếu một mặt hàng trên các quầy kệ chỉ mang tính cục bộ, hàng hóa sẽ được lấp đầy ngay sau đó, người dân không lo thiếu hàng.

Đây cũng là khẳng định của nhiều doanh nghiệp phân phối lớn tại TPHCM như Satra, MM Mega Market… trước nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.

Tổng Giám đốc Satrafoods Lâm Quốc Khanh khẳng định do lượng khách mua hàng trong những ngày qua tăng mạnh, dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ trong cung ứng. Đơn vị đã tăng cường thêm nhân viên để kịp thời cung cấp hàng hóa lên kệ. Cùng với đó, các cửa hàng, siêu thị của Satrafoods sẽ tăng thời gian hoạt động. Cụ thể, các siêu thị thuộc hệ thống sẽ mở cửa từ 7-23h hàng ngày.

Ngoài ra, trong thời gian này, các doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống phân phối cũng sẽ duy trì nhiều hình thức mua sắm gồm trực tiếp, đặt hàng qua ứng dụng, hàng giao tận nhà để tránh tiếp xúc, tập trung đông đúc.

Để giảm bớt áp lực thiếu người giao hàng, hệ thống đã hợp tác với một số đối tác là ứng dụng giao nhận hàng hóa, đưa hàng sớm đến tay người tiêu dùng.

Còn theo đại diện MM Mega Market, đơn vị đang triển khai hình thức bán hàng online và qua app điện thoại. Nhằm tránh tình trạng khách hàng tập trung mua sắm đông đúc. Tùy theo diện tích mặt bằng của mỗi siêu thị, MM Mega Market sẽ sắp xếp một lượng khách vào mua sắm nhất định, đảm bảo an toàn về giãn cách.
MM Mega Market thống kê trong ngày 6-7, lượng khách đến chuỗi Mega Market tại TPHCM tăng đột biến khoảng 50% so với ngày thường, và lượng đơn hàng hàng đặt online tăng gấp 15 lần. Chuỗi 4 cửa hàng tại TPHCM vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn hàng, do nhập 95% lượng hàng trực tiếp từ nhà cung cấp.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch chiều nay, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong quyết định thành phố áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 9-7. Ông Phong khẳng định chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố vẫn được duy trì ổn định. Thành phố đủ lượng hàng cung ứng và các điểm bán phân phối hàng hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Người dân không lo thiếu hàng, không tập trung đông người mua sắm tích trữ. Cùng đồng hành trách nhiệm với TP để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

Các tin khác