Do đó, người dân có thể yên tâm không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách. Hàng hóa rất nhiều, không bao giờ thiếu và siêu thị hoạt động xuyên suốt nên người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập quá đông sẽ đẩy nguy cơ bệnh dịch lên cao và có thể gây tắc nghẽn các kênh mua sắm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Saigon Co.op cho biết đã tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống bán lẻ và kêu gọi sự phối hợp của người dân thực hiện hướng dẫn các biện pháp an toàn khi đến siêu thị.
Bên cạnh bán hàng qua điện thoại, hầu như tất cả các app công nghệ hiện nay đều có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food để đồng loạt giao hàng cho khách. Saigon Co.op đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân, đặc biệt là khu vực TPHCM.
Dù cũng có lượng lớn nhân viên phải thực hiện cách ly và rất nhiều khó khăn khác nhưng hiện nay Saigon Co.op cũng đang gồng mình nỗ lực hết sức để vừa có thể phục vụ hàng hóa ngay tại siêu thị, vừa đáp ứng nhu cầu tăng đột biến cục bộ trên các kênh online mới vừa phát triển thần tốc, chưa kể phải phục vụ hàng chục ngàn suất ăn, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly mỗi ngày.
Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng là lượng lương thực thực phẩm không hề thiếu, thậm chí rất phong phú nhưng do tâm lý đám đông dồn dập đổ dồn về các kênh mua sắm khiến siêu thị, cửa hàng, các trang bán hàng online đều quá tải cục bộ, tắc nghẽn.
Có thể nói, chính việc tụ tập đông người không cần thiết và thiếu ý thức tuân thủ các biện pháp giãn cách, 5K của người dân trong thời gian qua đã góp phần đẩy số lượng ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao, đồng thời cũng làm các chợ, siêu thị phải liên tiếp đóng cửa.
Từ kinh nghiệm trong việc phân phối khẩu trang, hàng hóa trong những đợt giãn cách trước, người dân không nên nôn nóng tích trữ hàng hóa, không nên mua sắm dồn dập sẽ tạo áp lực lớn, gây quá tải hệ thống phân phối dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn. Từ trưa 6-7 đến sáng nay 7-7, lượng khách tới các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food và số lượng đơn hàng online của các siêu thị này cũng tăng gấp gấp 5 lần.
Liên quan đến việc cung ứng hàng hoá, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, bên cạnh việc tổ chức duy trì nguồn cung từ các tỉnh, thành về TPHCM một cách an toàn, lưu thông thông suốt, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho thị trường Thành phố, Sở Công thương tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại và truyền thống.
Trong quá trình hoạt động, việc mở cửa trở lại các điểm bán ngưng hoạt động phải được đánh giá kỹ và thực hiện theo đúng hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM tại văn bản số 2818 ngày 1-7-2021.
Về phương thức phân phối hàng hóa, nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo các biện pháp an toàn trong giao dịch hàng hóa, Sở Công thương đã triển khai đến UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tăng cường tuyên truyền vận động người dân sử dụng các phương thức đặt hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại… thay vì mua hàng tại các điểm bán truyền thống; đồng thời, cũng đề nghị các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, thực hiện các biện pháp an toàn trong giao nhận hàng hóa.
Qua theo dõi, đánh giá nhu cầu tiêu dùng của người dân và khả năng cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối cũng như nguồn cung ứng từ các tỉnh, thành có thể khẳng định nguồn hàng hóa của TPHCM vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Người dân có thể yên tâm, không nên mua sắm quá nhiều hàng hoá cùng một lúc làm mất khả năng cân đối cung – cầu, gây lãng phí và làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Kiểm soát chặt người ra, vào chợ đầu mối nông sản Thủ Đức
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP trong sáng 7-7, do biết trước thông tin tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nên mọi hoạt động giao dịch mua bán diễn ra trong đêm 6 và rạng sáng ngày 7-7.
Đến sáng 7-7, lượng người dân đến chợ mua, bán hàng hóa rất ít. Trong buổi sáng, các tiểu thương kinh doanh tại chợ đã dọn dẹp vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực chợ.
Tại các cửa ra vào chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lực lượng bảo vệ lập chốt kiểm soát người ra vào chợ một cách nghiêm ngặt.
Cụ thể, xe gắn máy không được phép lưu thông vào chợ. Đồng thời, lực lượng chức năng của phường Tam Bình cũng đi nhắc nhở các hộ kinh doanh xung quanh chợ tiến hành thu dọn hàng hóa, đóng cửa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
UBND TP Thủ Đức giao Ban Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức thông tin cho các thương nhân biết để thay đổi hình thức vận chuyển, giao và nhận hàng theo hình thức điều phối trực tuyến, giao tận nơi cho những khách hàng mà không thực hiện trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đảm bảo hàng hóa lưu thông, thông suốt, đến tay người tiêu dùng.
Đồng thời, tiến hành phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chợ. Mặt khác, Ban Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức phối hợp với Sở Công thương, UBND TP Thủ Đức xây dựng phương án phòng, chống dịch với nhiều tình huống xử lý khác nhau để áp dụng khi chợ hoạt động trở lại.