Sóc Trăng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững

(ĐTTCO) - Ngày 24-11, Sở NN & PTNT tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy của tỉnh Sóc Trăng hiện đạt 233 triệu đồng/ha/năm.
Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy của tỉnh Sóc Trăng hiện đạt 233 triệu đồng/ha/năm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết sản lượng lúa của tỉnh Sóc Trăng hiện đạt trên 2 triệu tấn/năm, trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 93%. Lĩnh vực nuôi trồng ngày càng phát triển, nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đạt hiệu quả cao, sản lượng đến nay đạt 375.257 tấn/năm.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh Sóc Trăng đạt 1.500 triệu USD, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 90%. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt 233 triệu đồng/ha.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang đối diện với nhiều rủi ro, thách thức đan xen, nhất là diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, tình hình biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân.

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ, trao đổi nhiều chủ đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp như: cách thức canh tác lúa thông minh trong sản xuất lúa có chất lượng cao, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; thực trạng và giải pháp chuyển đổi số thích ứng biến đổi khí hậu trong nuôi tôm nước lợ; hướng phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai; mô hình sinh kế đặc thù thích ứng biến đổi khí hậu; cách đưa nước ngọt về phục vụ sản xuất nông nghiệp; cách dự trữ tích trữ nước vào mùa khô dành cho tưới tiêu trên cây trồng…

Phát biểu tại hội nghị, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đang từng bước chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”, trong đó chú trọng đến nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh đang xây dựng chuỗi giá trị, tổ chức tốt khâu liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, tập trung huy động tốt các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất bền vững; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận khoa học công nghệ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo môi trường, an toàn thực phẩm.

Các tin khác