Bước đầu, chuyển đổi số đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Giải quyết hồ sơ công việc trên môi trường mạng
Ngày 27-10-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 07, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian qua đã, đang mang lại những kết quả tích cực. Trong đó, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu từng bước được đầu tư đồng bộ. Các hệ thống thông tin dùng chung như: quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, camera giám sát, ứng dụng “Công dân Sóc Trăng”... đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả.
Tính đến giữa năm 2023, tỉnh Sóc Trăng có 87,74% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đối với cấp tỉnh, 85,79% đối với cấp huyện và 76,28% đối với cấp xã. Ngoài ra, hơn 30,7% chế độ báo cáo, tổng hợp báo cáo định kỳ, thống kê về kinh tế - xã hội… phục vụ chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản điện tử từ tỉnh đến cơ sở được kiểm tra thông qua môi trường số. Tỉnh đã cấp phát gần 5.000 chữ ký số để phục vụ ký trên văn bản điện tử các cơ quan nhà nước.
Chữ ký số cũng được đông đảo người dân, doanh nghiệp của tỉnh hưởng ứng sử dụng, với hơn 4.500 người dân và 4.159 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng. Tất cả doanh nghiệp khai, nộp thuế qua mạng đều dùng chữ ký số.
Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn diễn ra và đang diễn ra. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thành lập 775 tổ công nghệ số cộng đồng ở các khóm, ấp, với hơn 5.000 thành viên có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số.
Các tổ này đã làm cầu nối giữa chính quyền và người dân về chuyển đổi số, hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ. Cùng với đó, mạng viễn thông đã cơ bản cung cấp dịch vụ tới 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, cơ bản phủ sóng 3G, 4G, 5G cho các địa bàn dân cư.
Đây là điều kiện thuận lợi góp phần đem lại nhiều tiện ích khi người dân sử dụng các dịch vụ số.
Sự vào cuộc của cả hệ thống
Ứng dụng “Công dân Sóc Trăng” đã được đưa vào vận hành từ ngày 10-10-2021, đến nay đã có hơn 40.000 lượt tải. Hiện nay, ứng dụng đã được nâng cấp lên phiên bản mới và đã được bổ sung các thông tin và cải thiện nhiều chức năng, trong đó có chức năng “Phản ánh hiện trường”.
Thông qua phản ánh hiện trường, người dân, doanh nghiệp đã phản ánh nhiều vấn đề tồn tại, bất cập liên quan đến mọi vấn đề kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch, đời sống… trên địa bàn tỉnh. Từ đó, giúp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng các cấp điều tra, xử lý, giải quyết các vụ việc theo đúng quy định pháp luật ngay tại cơ sở.
Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Sóc Trăng hiện có 90 doanh nghiệp tham gia, với 244 sản phẩm và hợp tác liên kết với 11 sàn thương mại điện tử của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh quảng bá các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của Sóc Trăng đến người tiêu dùng.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được triển khai tại hầu hết các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, việc chi trả tiền điện, nước đã được thực hiện thanh toán trực tuyến...
Việc chuyển đổi số trong vùng có đông đồng bào dân tộc của tỉnh Sóc Trăng cũng đang được đẩy mạnh, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận các tiện ích trong cuộc sống. Năm 2022, tỉnh Sóc Trăng được đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) tăng 20 bậc so với năm 2021 (xếp hạng thứ 36/63). Kết quả này là sự quyết tâm của các địa phương, sở, ngành và sự tham gia nhiệt tình của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn diễn ra và đang diễn ra. Để chuyển đổi số đi vào cuộc sống, tạo ra giá trị mới phục vụ người dân và doanh nghiệp, tỉnh xác định: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước tiên là phải chuyển đổi nhận thức; người dân và doanh nghiệp là trung tâm; thể chế và công nghệ là động lực.
"Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số", ông Lâm Văn Mẫn cho biết.