Bảng xếp hạng thị phần không chỉ có tác dụng nêu lên thị phần của từng CTCK cũng như mức độ cạnh tranh trong hoạt động môi giới, mà còn có nhiều tác dụng rất độc đáo khác.
Những tháng gần đây, GTGD trung bình mỗi phiên chỉ vào khoảng 1.000-1.200 tỷ đồng/phiên. Nếu CTCK có GTGD trung bình vào tầm 20-30 tỷ đồng/phiên có thể chiếm từ 2-3% thị phần. Trong khi đó, chỉ cần sở hữu 3,5-4% thị phần trong khoảng 1 năm qua, CTCK nghiễm nhiên có một vị trí trong top 10 để "lấy số" và cũng là để chứng minh hiệu quả kinh doanh của mình.
Để đạt GTGD 20-30 tỷ đồng/phiên có khó? 4-5 năm trước, chỉ cần CTCK có vài khách VIP là đạt. Thậm chí có người còn nói vui rằng, chỉ cần các ông chủ bỏ tiền ra đánh chứng khoán là đủ. Khoảng cách từ 2-3% lên 3,5-4% cũng không quá xa, nhưng rốt cuộc đến giờ bảng xếp hạng thị phần cũng chỉ xuất hiện những cái tên quen thuộc. Lâu lâu, một vài cái tên mới xuất hiện, nhưng không duy trì được bao lâu. Đó là một minh chứng cho thấy sự kiệt quệ của các CTCK tốp dưới.
NĐT theo dõi giá CP tại CTCK HSC. Ảnh: LÃ ANH |
Nhìn ở một khía cạnh khác, nếu một CTCK không thuộc top 10 gặp vấn đề về thanh khoản, cho dù chỉ là 1-2 lần sự nguy cấp cũng hiện lên rất rõ. Giả định một CTCK nắm 1% thị phần, GTGD mỗi ngày chỉ tầm 10-12 tỷ đồng. Nếu CTCK không có tiền trả trung tâm lưu ký, hoặc không có tiền trả khách hàng, có nghĩa là CTCK thiếu cũng từng đó tiền hoặc ít hơn, chỉ bằng vốn của một NĐT cá nhân VIP.
CTCK vốn từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng mà lại thiếu dăm ba tỷ đồng đến độ phải chạy vạy, thậm chí vay nóng để trả là rất có vấn đề, nguy cơ phá sản hiển hiện rõ ràng. Cũng phải nói thêm những CTCK rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, hoặc “dính” phốt thanh khoản như SME, Tràng An chắc gì thị phần đã được... 1%. Điều đó cho thấy các CTCK này "vã" như thế nào về vốn.
Hay một dẫn chứng khác, giả định CTCK nắm khoảng 2% thị phần, tức ở mức vừa phải, thì giá trị giao dịch giai đoạn này cũng chỉ tầm 20-24 tỷ đồng. Giả sử CTCK "xé rào" đòn bẩy, thay vì 60/40 như quy định (NĐT bỏ 60%, CTCK cho vay 40%), lại chuyển thành 1:4 (bỏ 1 cho vay 4) thì số tiền CTCK hỗ trợ cho NĐT mỗi phiên cũng chỉ vào tầm 20 tỷ đồng. 20 tỷ đồng này nếu giảm 50%, tức là thị trường lao dốc cả chục phiên, thiệt hại cũng chỉ tầm 10 tỷ đồng.
Và như đã nói ở trên, 10 tỷ đồng không phải là số tiền lớn với CTCK, trong thực tế chỉ cần thị trường lao dốc chừng 3 phiên là CTCK đã bị rối, đồng nghĩa với tình trạng tài chính quá yếu kém.
Giả định một CTCK nắm khoảng 10% thị phần và 20% trong số đó (tức 2% thị phần) hình thành từ bán khống, như vậy GTGD của bán khống sẽ chỉ vào khoảng 20 tỷ đồng, với phí giao dịch 0,2% GTGD, tiền phí thu về tương ứng là 20 triệu đồng, số tiền này còn phải trang trải cho các loại chi phí khác nhau, và thường mất khoảng 30-40% cho hoa hồng.
Một CTCK nắm 10% là thuộc top 3 của thị trường, tỷ trọng bán khống 20% trong tổng GTGD cũng không hề nhỏ cho một nghiệp vụ xé rào, nhưng số tiền thu về chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng/phiên, tức chỉ tương đương 0,002% GTGD. Điều này đã gợi mở ra rất nhiều vấn đề:
Thứ nhất, nếu CTCK muốn thu được nhiều hơn, chắc chắn sẽ phải gia tăng tỷ trọng bán khống nhiều hơn. Mà muốn chỉ có thị phần lớn mới có thể gia tăng. Và nói đến đây, có lẽ nhiều người sẽ mường tượng ra rằng, mối đe dọa thị trường từ bán khống không chỉ có từ những CTCK nhỏ, xé rào mà còn từ những CTCK lớn.
Minh chứng rõ ràng nhất là việc CTCK HSC đã bị phạt vì liên quan đến hoạt động bán khống. Lợi thế thị phần cùng áp lực phải giữ thị phần rất dễ khiến CTCK lớn bị "sa ngã" trong việc tuân thủ quy định của các cơ quan quản lý.
Thứ hai, nếu nhìn theo chiều hướng khác, lâu nay chúng ta vẫn nói đến và cảm nhận được lực bán khống xuất hiện rất lớn tại nhiều thời điểm và đe dọa thị trường, điều này đồng nghĩa với lực bán khống rất lớn và sẽ chỉ có: rất nhiều các CTCK cho bán khống, nhưng không khả thi vì hoạt động chui này chỉ tập trung tại một số CTCK có những lợi thế như đã nói ở trên.
Nếu như vậy, các cơ quan quản lý chỉ cần khoanh vùng và mạnh tay sẽ rất dễ dàng xác định được danh tính CTCK cho bán khống và phạt nặng.