Sớm ban hành nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh

(ĐTTCO) - Ngày 14/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Sớm ban hành nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thường trực Chính phủ thống nhất tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá.

2. Rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để có giải pháp, biện pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu, trong đó: Về tiêu dùng: Có giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước; khẩn trương ban hành Nghị định của Chính phủ về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; triển khai kịp thời việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng sau khi Quốc hội thông qua.

Về đầu tư: Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, phát huy hiệu quả 05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; có giải pháp khả thi, hiệu quả để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, năng lượng, chuyển đổi số; tạo thuận lợi cho hợp tác công tư, đầu tư tư nhân và FDI (nhất là các dự án FDI trong lĩnh vực năng lượng tái tạo), xử lý, giải quyết hiệu quả các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, trong đó có vướng mắc về đất đai, giải phóng nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đường cao tốc, một số sân bay theo hình thức hợp tác công tư (như cao tốc Ninh Binh - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình, cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa …).

Về xuất khẩu: Tăng cường hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống, thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết; tiếp tục mở rộng các thị trường mới (Trung Đông, Châu Phi…), đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa, chuẩn hóa các thủ tục về đầu tư, xây dựng để thực hiện trên môi trường điện tử; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục về đấu thầu, đấu giá; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, ngành, khu vực và của toàn nền kinh tế.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; khẩn trương có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất; trong đó giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6/2023 và định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.

Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6/2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.

Tập trung điều hành thị trường liên ngân hàng, tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng theo hướng giảm dần lãi suất, bảo đảm vốn cho các tổ chức tín dụng, phát huy vai trò dẫn dắt của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Tiếp tục cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân; cương quyết cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết để hỗ trợ cho khách hàng vay vốn. Khẩn trương rà soát, xem xét, sửa đổi phù hợp một số tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn cho vay theo hướng tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản, nhất là đối với các dự án khả thi, hiệu quả, các doanh nghiệp có năng lực; Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; Rà soát gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng và 120 nghìn tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn;

Khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác. Chỉ đạo, kêu gọi các ngân hàng thương mại đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, phát huy tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân.

Bộ Tài chính: Thực hiện nhanh chóng việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục đơn giản, nhanh gọn, thuận lợi; Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trước ngày 20 tháng 6 năm 2023; chủ động triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% sau khi được Quốc hội thông qua;

Khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu để kịp trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV; Tiếp tục rà soát để thực hiện miễn giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp; Tập trung rà soát, có giải pháp, lộ trình, kế hoạch cụ thể xử lý kịp thời, hiệu quả vấn đề thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thị trường bảo hiểm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương rà soát các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, thủ tục hành chính để đề xuất sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương; Rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp, dự án FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Tập trung đẩy mạnh triển khai, hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch; Xây dựng các phương án, kịch bản điều hành, đề xuất các giải pháp phù hợp với diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; Tổng hợp, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023;

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chương trình, giải pháp tận dụng hiệu quả dư địa chính sách để hỗ trợ nền kinh tế khi cần thiết; Tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, tăng cường phân cấp, phân quyền, khắc phục triệt để các vướng mắc trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; trường hợp cần thiết, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội.

Các tin khác