Sớm giảm thuế TNDN về 20%

Đầu tuần này, thảo luận những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề nghị cần sớm xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ mức 25% như hiện nay xuống còn 20%.

Đề xuất này hoàn toàn hợp lý và có cơ sở bởi hiện nay với nhiều khoản chi thực tế nhưng không được công nhận, nếu mức thuế về 20% thì con số thực vẫn vượt 25% thu nhập thực có của DN.

Phản ánh của nhiều DN cho thấy cách áp thuế hiện nay cũng có nhiều bất cập. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ chi phí quảng cáo tiếp thị bị khống chế không quá 10% tổng chi phí, DN nào chi quá mức này sẽ bị xuất toán. Để cạnh tranh được DN buộc phải chi đến mức hơn 10% và chấp nhận bị xuất toán.

Do đó, số lãi thực thấp hơn số lãi quyết toán với cơ quan thuế và số thuế phải nộp trên lãi thực của DN chắc chắn cao hơn 25%. Ở một khía cạnh khác, chi phí hợp lý của DN cũng không được thừa nhận. Chẳng hạn thù lao trả cho các thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Hiện nay, để tăng hiệu quả quản lý, nhiều DN đã mời chuyên gia giỏi, các nhà quản lý giỏi tham gia làm hội đồng thành viên hoặc thành viên hội đồng quản trị độc lập. Nhưng thù lao trả cho vị trí này lại không được tính vào chi phí hợp lý của DN.

Một chi tiết thật của DN không được thừa nhận thì đương nhiên nghĩa vụ thuế TNDN của DN cao hơn so với con số danh nghĩa 25%. Bất cập này cần sớm được giải quyết để mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư và cộng đồng DN.

Tuy nhiên, xem ra đề xuất sớm giảm thuế TNDN không dễ dàng thực hiện được. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, chiến lược cải cách thuế đã được Thủ tướng phê duyệt xác định phải đến năm 2020 mới giảm xuống xuống 20%.

Điều tra ở 83 nước trên thế giới có đến 48/83 nước áp thuế suất thuế TNDN từ 26-45%. Trong đó, 36 nước thuế suất trên 30%, 12 nước thuế suất 25% như Việt Nam. Nếu tính trung bình tất cả các nước trên thế giới, thuế suất là 27%. Như vậy, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, mức thuế suất 25% của Việt Nam là thấp so với mức trung bình của thế giới.

Thêm nữa, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, nếu thuế TNDN giảm ngay từ 25% xuống 20% thì ngân sách năm 2012 sẽ giảm 20.442 tỷ đồng. Lo ngại của người nắm “hầu bao” ngân sách là có cơ sở.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cho rằng trong giai đoạn khó khăn cho sản xuất kinh doanh như hiện nay, áp dụng mức thuế suất cao không có nghĩa rằng Nhà nước sẽ thu được nhiều thuế. Tình trạng sản xuất đình đốn, DN phá sản tăng cao đã và sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách dài hạn.

Vì thế, hơn lúc nào hết, cần sử dụng giải pháp về thuế để động viên thị trường và kích thích sự ra đời của DN. Trước đây, thuế TNDN là 32% thì tổng thu ngân sách không cao hơn khi hạ mức thuế xuống 25%. Bởi thực tế khi thuế giảm xuống mức mới, số lượng của DN ra đời lớn hơn rất nhiều, tạo điều kiện để tăng thu ngân sách.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng giảm thuế TNDN từ 25% xuống 20% là việc trước sau cũng phải làm. Nhưng nếu làm vào thời điểm này thì hiệu quả đạt được là lớn nhất. Theo đại biểu này, DN hiện đang như “con bệnh”, việc giảm thuế sẽ giúp họ có được niềm tin, các giải pháp chữa trị, do đó mới có hiệu quả.

Nhiều ĐBQH nhất trí với kiến nghị của TS. Lịch rằng khi chưa sửa Luật thuế TNDN, trong nghị quyết của Quốc hội về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường (dự kiến thông qua vào cuối kỳ họp) cần có thông điệp, từ đầu năm 2013 sẽ xem xét giảm thuế TNDN từ 25% xuống 20% để tạo sức cạnh tranh và niềm tin cho DN.

Các tin khác