Sống chung với hạn, mặn

(ĐTTCO) - Tại phiên họp đầu tiên với các thành viên Chính phủ mới, lần đầu tiên hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là một trong những nhiệm vụ cấp bách phải tập trung giải quyết.

(ĐTTCO) - Tại phiên họp đầu tiên với các thành viên Chính phủ mới, lần đầu tiên hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là một trong những nhiệm vụ cấp bách phải tập trung giải quyết.

 Thực tế, đến nay không ai trong chúng ta còn hoài nghi về những nguyên nhân của biến đổi khí hậu do chính con người gây ra. Đó là sự gia tăng của khí nhà kính trong bầu khí quyển do các hoạt động kinh tế của con người; nạn phá rừng; ngăn sông làm thủy điện… Hiểm họa này tác động nghiêm trọng tới môi trường toàn cầu nhưng rõ rệt nhất là tới đời sống dân cư, hủy hoại sản xuất nông nghiệp và làm suy thoái đa dạng sinh học và tài nguyên nước. Riêng trong 5 năm gần đây (2011-2015), thiên tai tại nước ta đã làm 1.128 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất mỗi năm khoảng 660 triệu USD.

Hiện tượng cực đoan của thời tiết liên tục diễn ra trên diện rộng: lũ quét, mưa đá ở các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán, nắng nóng ở miền Trung, Tây nguyên và ĐBSCL.Hàng loạt trâu bò đã chết vì lạnh (phía Bắc) và vì nắng nóng (Tây nguyên); hay lần đầu tiên một tỉnh Bắc Trung bộ là Thanh Hóa có băng tuyết…

Việt Nam là nước nông nghiệp có tới 70% dân số sống ở các vùng nông thôn và sản xuất nông nghiệp - lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Những tổn thất nặng nề trong nông nghiệp đang gia tăng còn do tác động của hiện tượng El Nino. Các yếu tố cực đoan của thời tiết đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, thủy hải sản. Hiện tượng sạt lở đất, bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi, xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn và lấn sâu vào đất liền, tình trạng cạn kiệt nguồn nước trên các dòng sông ngày càng phổ biến… đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Theo nhận định của các chuyên gia, khí hậu sẽ tiếp tục biến đổi mạnh hơn trong các thập niên tới. Trong khi đó, suốt nhiều năm qua, các chính sách về kinh tế - xã hội được ưu tiên thực hiện hơn là việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, đã đến lúc cần hình thành một cơ chế và chính sách hành động liên ngành về vấn đề nghiêm trọng này. Theo đó, cần lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào quá trình hoạch định chính sách ở tất cả các cấp, các ngành, bảo đảm phát triển bền vững.

Thí dụ, ở ĐBSCL đang tập trung khắc phục thiên tai, như xây dựng hệ thống thủy lợi, đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt, vận hành các cống đầu mối, hỗ trợ nông dân bị thiệt hại... Song đây chỉ là những giải pháp mang tính ứng phó tình thế. Bởi, về lâu dài ngành nông nghiệp và nông dân không thể cứ phải chạy lo chống mặn, chống hạn kiểu mặn đến đâu ngăn đến đó, mà cần những giải pháp phi công trình, giải pháp sống chung với mặn và khô hạn. Đó là việc cơ cấu lại mùa vụ, cây trồng - vật nuôi cho từng khu vực gắn với điều kiện đặc thù. Như đối với khu vực thường xảy ra khô hạn, xâm nhập mặn, có nên sản xuất 3 vụ lúa/năm, hay chỉ tập trung làm 1 vụ ăn chắc. Còn vào thời điểm khác dùng các loại cây trồng, vật nuôi không bị lệ thuộc nhiều về nguồn nước. Thậm chí, chuyển đổi luôn cơ cấu sản xuất nếu như sản xuất nơi ấy không thuận lợi, rủi ro cao; nghiên cứu các bộ giống, cây - con thích nghi với vùng mặn, chịu được khô hạn... Có vậy, nông dân mới giảm bớt rủi ro, và ngành quản lý không phải chạy lo chống mặn (mà hiệu quả mang lại không cao).

Trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội, thiên nhiên dường như định sẵn điều đó. Nếu chúng ta biết cách biến thách thức thành cơ hội, sẽ vượt qua được thiên tai khắc nghiệt. Điều này đã có bài học từ việc chạy lũ chuyển sang sống chung với lũ ở ĐBSCL, chủ động ứng phó với tự nhiên. Hay việc đã có nhiều địa phương chịu tác động của hạn - mặn chủ động chuyển đổi một số cây trồng cho phù hợp với điều kiện thiếu nước ngọt.

Các tin khác