Sóng đầu tư công khó giúp HHV thoát cảnh 'ì ạch'

(ĐTTCO) - Trên sàn chứng khoán, CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) được đánh giá là cổ phiếu đầu ngành đầu tư công. Dù được kỳ vọng dẫn sóng ngành, nhưng diễn biến thực tế lại khiến nhiều cổ đông thất vọng.

Sóng đầu tư công khó giúp HHV thoát cảnh 'ì ạch'

Hưởng lợi nhờ đầu tư công

HHV là doanh nghiệp nằm trong “hệ sinh thái” của Tập đoàn Đèo Cả (DCG), hoạt động chính trong 2 lĩnh vực xây lắp và quản lý vận hành công trình giao thông.

HHV đã chứng minh được năng lực của mình qua nhiều công trình lớn, như hầm Đèo Cả (tổng mức đầu tư 11.378 tỷ đồng), hầm Cù Mông (4.627 tỷ đồng), hầm Hải Vân 2 (7.296 tỷ đồng), cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (12.188 tỷ đồng), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (5.003 tỷ đồng).

Đáng chú ý, HHV đang sở hữu quyền thu phí BOT trên 5 dự án giao thông huyết mạch kết nối cao tốc Bắc - Nam gồm hệ thống hầm đường bộ qua Đèo Cả (4 dự án hầm), dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sẽ là 2,87 triệu tỷ đồng (tương đương 118 tỷ USD), tăng 43,5% so với giai đoạn 2016-2020, với các dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và 2.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng giá trị đầu tư công đã giải ngân trong giai đoạn 2021-2022 là 980.700 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Như vậy, Chính phủ sẽ phải giải ngân trung bình 630.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương 26 tỷ USD) trong giai đoạn 2023-2025, cao hơn 84% so với vốn đầu tư công thực giải ngân bình quân giai đoạn 2016-2020.

Hưởng lợi từ những động thái tích cực trong việc giải ngân đầu tư công của Chính phủ, HHV cùng DCG đã trúng nhiều gói thầu lớn trong năm 2023, với tổng giá trị các gói thầu có sự góp mặt của HHV đạt hơn 19.600 tỷ đồng.

Kết quả trên cũng từng bước phản ánh vào hoạt động kinh doanh của HHV. Theo ước tính của Ban lãnh đạo, doanh nghiệp có thể đạt doanh thu 2.560 tỷ đồng (tăng 22%) và lợi nhuận sau thuế đạt 370 tỷ đồng (tăng 24%) trong năm 2023.

Kết quả này đến từ sự đóng góp lớn của hoạt động xây lắp, trong 9 tháng đầu năm 2023 mảng xây lắp ghi nhận mức tăng trưởng 88% về doanh thu đạt 519 tỷ đồng, cao hơn mức 434 tỷ đồng của hoạt động thu phí BOT (cùng kỳ 2022 hoạt động BOT chiếm gần 70% doanh thu).

Các đợt tăng vốn liên tục khiến cho HHV đối mặt rủi ro pha loãng CP. Theo đó, giá trị lợi nhuận trên mỗi CP sẽ sụt giảm nếu HHV chưa thể hiện thực hóa được ngay lợi nhuận trên vốn đầu tư bổ sung.

Từ kết quả 2023, HĐQT của HHV đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 16%. Cụ thể, doanh thu ước mục tiêu đạt 2.915 tỷ đồng và 448 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Mục tiêu trên được xây dựng dựa trên kế hoạch triển khai các dự án đầu tư công hiện tại và một số yếu tố thuận lợi.

Đầu tiên là sự hồi phục ngành du lịch và triển vọng kinh tế năm 2024, sẽ giúp cho hoạt động thu phí giao thông khả quan hơn. Hiện phần lớn các trạm BOT nằm ở vị trí huyết mạch cao tốc Bắc - Nam, các tuyến từ Khánh Hòa đến Huế, các khu vực có hoạt động du lịch phát triển cùng với nhu cầu giao thương hàng hóa bằng đường bộ.

Yếu tố thứ 2 là lãi suất hiện nay đã giảm nhiều so với giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023. HHV hiện có khoảng 21.000 tỷ đồng nợ vay theo lãi suất thả nổi.

Liệu kỳ vọng có thành thất vọng?

Để chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng trong tương lai, trong quý IV-2023, HHV đã phát hành CP ưu đãi 25% vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu với giá bán 10.000 đồng/CP. Kết quả đợt phát hành này là HHV thu được 830 tỷ đồng, bao gồm phát hành cho cổ đông hiện hữu 752 tỷ đồng, và phần còn lại chưa phân phối hết được phát hành riêng lẻ cho quỹ đầu tư PYN Elite Fund với giá 11.000 đồng/CP.

Giá phát hành cho PYN Elite Fund tương đương giá trị thanh khoản trung bình 1-2 ngày giao dịch của CP HHV, và giới hạn chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Theo phân tích của CTCK Mirae Asset (MAS), sau khi phát hành thêm, giá trị sổ sách cuối năm 2023 của HHV ở mức 11.300 đồng/CP. Kỳ vọng HHV sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2024, giá trị sổ sách và EPS của HHV vào cuối năm lần lượt đạt 12.300 đồng/CP và 1.014 đồng/CP.

Kỳ vọng mức P/E và P/B mục tiêu lần lượt đạt 20x và 1,5x, giá mục tiêu HHV sẽ ở mức 19.350 đồng/CP. Thế nhưng, trái ngược với dự báo của giới phân tích và kỳ vọng của các cổ đông, mã HHV gần như đi ngang ở mức giá khoảng 15.000 đồng/CP trong 3 tháng trở lại đây. Nếu so với đỉnh 22.000 đồng/CP thời điểm tháng 9-2021, HHV đã mất giá khoảng 30%.

Việc HHV không thể tạo sóng như dự báo khá phù hợp với nhận định vừa được CTCK VNDirect (VND) công bố mới đây. Báo cáo phân tích của VND hạ khuyến nghị mã HHV từ “khả quan” xuống “trung lập”, với tiềm năng tăng giá chỉ đạt 3%.

Cụ thể, VND giảm giá mục tiêu 18% xuống còn 16.000 đồng/CP, trong khi giá CP đã tăng 6% kể từ báo cáo gần nhất. Nguyên nhân VND giảm giá mục tiêu do điều chỉnh lại phương pháp định giá bao gồm phương pháp P/E, P/B và việc nguồn vốn bổ sung dài hơn dự kiến cho hầm đường Đèo Cả.

Việc điều chỉnh này còn dựa trên các yếu tố rủi ro như tiến độ xây dựng các dự án chậm hơn so với kỳ vọng, và các hợp đồng ký mới trì hoãn lâu hơn dự kiến và giá vật liệu xây dựng tăng giá hơn so với dự kiến.

Đặc biệt, giá HHV đã phản ánh đầy đủ mức tăng trưởng lợi nhuận của HHV năm 2024 nhờ vào trọng tâm đầu tư công của Chính phủ.

Giá CP đã phán ảnh đầy đủ mức tăng trưởng của HHV cũng là một phần nguyên nhân khiến cho đợt phát hành CP tăng vốn cuối năm 2023 bị “ế” hơn 7,1 triệu CP. Dù số CP này được PYN Elite Fund mua lại, nhưng điều này lại khiến cho cổ đông thêm hoang mang, bởi quỹ đầu tư ngoại này có “lịch sử” thua lỗ tại thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, những cổ đông gắn bó mật thiết với doanh nghiệp lại từ chối mua vào. Đơn cử là Công ty Đầu tư Hải Thạch BOT đã chuyển nhượng gần như toàn bộ hơn 66 triệu quyền mua. Do vậy, tỷ lệ sở hữu dự kiến giảm từ 20,11% về còn 16,09% sau khi hoàn tất phát hành.

Tương tự, Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng cũng đã chuyển nhượng toàn bộ gần 2 triệu quyền mua.

Các tin khác