Tham vọng "từ nông trại đến bàn ăn"
BAF được thành lập năm 2017 với số vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là thương mại nông sản và chăn nuôi heo trang trại. Năm 2019, BAF thay đổi chiến lược phát triển, tập trung tối đa nguồn lực cho hoạt động chăn nuôi, xây dựng mô hình hoạt động theo chuẩn 3F (Feed-Farm-Food), còn được hình tượng hóa thành "từ nông trại đến bàn ăn".
Dù là doanh nghiệp trẻ trong ngành chăn nuôi nhưng có quy mô tài sản và doanh thu thuộc top đầu ngành, BAF hiện tự chủ từ con giống, trang trại, thức ăn chăn nuôi cho đến chế biến và tiêu thụ. Chuỗi giá trị của BAF gồm có 3 nhà máy cám, 12 trang trại heo thịt, 10 trang trại heo giống, cùng với 60 cửa hàng Siba Food.
Để theo đuổi chiến lược này, BAF liên tục có các đợt phát hành cổ phiếu (CP) tăng vốn điều lệ. Cụ thể, chỉ nửa năm sau khi thành lập, BAF tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu. Đến năm 2020, BAF tiếp tục tăng vốn lên 500 tỷ đồng, năm 2021 tăng lên 780 tỷ đồng và hiện tại là 1.435 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong quý IV, BAF sẽ phát hành thêm 68,4 triệu CP để huy động thêm 684,3 tỷ đồng.
Cùng với chính sách phát hành CP tăng vốn, BAF đẩy mạnh huy động vốn vay để bổ sung cho dòng tiền kinh doanh bị thâm thụt. Tại thời điểm ngày 30-9, tổng nợ vay của BAF lên tới 2.215 tỷ đồng, tăng 1.258 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Trong đó nợ vay ngắn hạn tăng 138% so với đầu năm lên 627 tỷ đồng. Riêng nợ vay dài hạn 1.588 tỷ đồng, gồm vay ngân hàng và 2 khoản vay trái phiếu. Đáng lưu ý, trong khoản vay 900 tỷ đồng từ trái phiếu, có 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi phát hành cho IFC với lãi suất 5,25%, kỳ hạn 7 năm. Các khoản vay này được BAF sử dụng để đẩy mạnh xây dựng trang trại, phát triển mảng chăn nuôi.
Gánh nặng tài chính
Nỗ lực mở rộng quy mô trang trại nuôi heo để chuyển dịch mô hình kinh doanh từ thương mại các mặt hàng nông sản sang mảng 3F của BAF đã không như kỳ vọng. Cụ thể, nửa đầu năm 2023 lợi nhuận sau thuế của BAF sụt giảm mạnh, khi doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 2.406 tỷ đồng (giảm 19%) và 12,8 tỷ đồng (giảm 90%).
Dòng tiền kinh doanh chính của BAF còn ghi nhận con số âm 375,5 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022 âm 22,8 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 492,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 816,9 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Có 2 nguyên nhân khiến BAF gây thất vọng với cổ đông và nhà đầu tư. Yếu tố đầu tiên là giá heo hơi sụt giảm sâu trong nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Thế nhưng, khi giá heo hơi phục hồi từ quý II và đầu quý III năm nay, BAF lại bỏ lỡ cơ hội do 3 trang trại mới đưa vào hoạt động chậm hơn dự kiến.
Yếu tố quan trọng nhất là các khoản vay ngắn hạn trong 2 quý đầu năm của BAF tăng gấp 4,8 lần (để bù đắp cho các khoản phải thu ngắn hạn tăng cao), khiến chi phí lãi vay của doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể (tăng 21 lần).
Gánh nặng lãi vay tiếp tục tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh quý III của BAF. Theo báo cáo tài chính, chi phí tài chính quý III tăng tới 780% so với cùng kỳ lên mức 44 tỷ đồng, phần lớn do chi phí lãi vay đạt 47 tỷ đồng (tăng 840%) do tăng nợ vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên 26 tỷ đồng (tăng 37%).
Trong khi đó, lợi nhuận khác ghi nhận khoản lỗ 11,6 tỷ đồng, tương đương giảm 25 tỷ đồng so với cùng kỳ. Kết quả, sau khi khấu trừ các khoản, chi phí tăng mạnh là một trong các lý do khiến lợi nhuận của BAF bị “co hẹp” lại.
Cụ thể, BAF ghi nhận doanh thu đạt 1.219 tỷ đồng (giảm 36%), lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng (giảm 75%). Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 3.625 tỷ đồng (giảm 26%) và 53 tỷ đồng (giảm 82%), tương ứng với 52% kế hoạch doanh thu và 17,7% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.
Biến động nhân sự bất thường
Ngoài kết quả kinh doanh đáng thất vọng, BAF cũng khiến nhiều cổ đông lo lắng với hàng loạt biến động nhân sự cao cấp. Cụ thể, ngày 27-9 BAF nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Trưởng BKS của ông Nguyễn Thanh Hải và vị trí Thành viên BKS của bà Dương Thị Hồng Tân, với lý do cá nhân.
Trước đó, HĐQT BAF công bố hàng loạt quyết định miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc đối với ông Phan Ngọc Ấn, Thành viên Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT của bà Nguyễn Thị Hường, Thành viên HĐQT của ông Bùi Quang Huy, Phó Tổng giám đốc thường trực của ông Nguyễn Tiến Thành.
Theo giới phân tích, việc HĐQT BAF miễn nhiệm hàng loạt nhân sự cấp cao được cho bắt nguồn từ hoạt động thâu tóm quyền lực đang diễn ra tại doanh nghiệp. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2023, BAF cũng thông qua miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Phan Ngọc Ấn, đồng thời bầu bổ sung ông Trương Sỹ Bá vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Ông Ấn từng giữ chức Chủ tịch HĐQT từ tháng 3-2021, đồng thời sở hữu lên tới 30% vốn điều lệ tại BAF. Sau khi niêm yết, ông Ẩn đã bán ra toàn bộ số cổ phần này.
Ông Trương Sỹ Bá hiện là Chủ tịch HĐQT Tân Long Group. Với việc trở thành người lãnh đạo cao nhất của BAF, “hệ sinh thái” Tân Long Group vốn khá kín tiếng trên thị trường cũng dần lộ diện. Từ đây giới đầu tư nhận thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa Tân Long Group và BAF. Cụ thể, tại thời điểm năm 2019, BAF từng ghi nhận khoản vay nợ tài chính tới 1.844 tỷ đồng từ SHB, chi nhánh Kinh Đô.
Đáng chú ý, tài sản thế chấp cho khoản vay này là quyền đòi nợ liên quan đến các hợp đồng kinh tế giữa BAF và Tân Long Group, cùng một số công ty thành viên khác. Trong hệ sinh thái của Tân Long Group, BAF không phải là công ty duy nhất dùng cách này để huy động vốn. Thực tế, những thành viên chủ chốt của Tân Long Group cũng áp dụng cách thức tương tự và ngân hàng đối tác cũng chính là ngân hàng nêu trên.
BAF trong 3 năm đầu mới thành lập doanh thu bình quân trên 13.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên, trước thềm niêm yết năm 2021, BAF bất ngờ báo lãi tăng gấp 10 lần khiến không ít nhà đầu tư nghi ngờ doanh nghiệp này “làm đẹp” báo cáo tài chính.