Liệu MCM sẽ có đợt bán tháo trước ngày chuyển niêm yết?

(ĐTTCO) - Dù đã là công ty con của Vinamilk, và đang chờ chuyển niêm yết từ sàn UPCoM lên HoSE, nhưng CTCP Giống sữa bò Mộc Châu (MCM) vẫn khó có thể thu hút nhà đầu tư, thậm chí sẽ còn có đợt bán tháo trước ngày chuyển niêm yết.

Công ty sữa Mộc Châu chưa chủ động được nguồn nguyên liệu.
Công ty sữa Mộc Châu chưa chủ động được nguồn nguyên liệu.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp (DN) này đang đối mặt với nhiều “bài toán” chưa có lời giải trong việc cải thiện kết quả kinh doanh.

KQKD phản ánh lên giá CP

MCM khởi đầu năm 2023 với mức giá hơn 42.000 đồng/CP. Tuy nhiên, trong gần 1 năm qua, MCM gần như đi ngang và hiện đang giao dịch với mức giá 37.000 đồng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, MCM ghi nhận mức giảm khoảng 12%.

Trong khi đó, Vinamilk (VNM) hiện đang giao dịch với mức giá tham chiếu 76.000 đồng/CP, còn CTCP Sữa quốc tế (IDP) 257.000 đồng/CP.

Có thể dễ dàng nhận thấy, trong 3 DN sữa đang niêm yết trên sàn chứng khoán thì MCM đang có diễn biến giá kém nhất so với 2 mã còn lại. Nguyên nhân chính là do NĐT lo ngại về khả năng cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp trong thời gian tới. Cụ thể, trong khi VNM và IDP có thể tận dụng giá bột sữa nguyên liệu nhập khẩu giảm, thì MCM lại gặp bất lợi khi sữa tươi nguyên liệu thu mua từ nông dân địa phương tăng cao.

Như vậy việc giá MCM xuống thấp xuất phát từ những kỳ vọng tiêu cực về kết quả kinh doanh, từ đó phản ánh vào diễn biến giá CP. Chính vì vậy, dù đang giao dịch ở mức giá tương đối thấp, nhưng nhiều chuyên gia chứng khoán vẫn khuyến cáo NĐT thận trọng với MCM.

Đơn cử CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra nhận định về MCM như sau: “Nếu dựa trên giả định tăng trưởng doanh thu vẫn gặp nhiều trở ngại trong năm tới do nền kinh tế phục hồi chậm, chúng tôi khuyến nghị NĐT nên theo dõi chặt chẽ tốc độ tăng trưởng doanh thu của MCM để chọn thời điểm thích hợp đầu tư vào CP này”.

Cơ sở để VDSC đưa ra nhận định không mấy sáng sủa với MCM dựa trên kết quả kinh doanh trong thời gian gần đây. Theo báo cáo tài chính quý III vừa được công bố, doanh thu trong kỳ chỉ đạt 816 tỷ đồng (giảm 1,9%). Lũy kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận ròng của MCM lần lượt đạt 2.341 tỷ đồng (giảm 0,2%) và 289 tỷ đồng (tăng 5,5%).

Với kết quả trên, MCM đã hoàn thành 68% mục tiêu doanh thu và 79% mục tiêu lợi nhuận trong năm 2023. Trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, tốc độ tăng trưởng doanh thu MCM khó có thể đạt mức cao trong cả năm 2024.

Khó hút NĐT trên sàn HoSE

MCM tiền thân là nông trường Mộc Châu, và là đơn vị đầu tiên khai mở ra ngành chăn nuôi và sản xuất sữa công nghiệp tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh chính của MCM bao gồm: sản xuất, chế biến, kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa; sản xuất, chế biến, và kinh doanh thức ăn chăn nuôi; kinh doanh vật tư chăn nuôi và vật nuôi.

Vùng đất Mộc Châu cùng với Đà Lạt được nhiều chuyên gia đánh giá là vùng đất hiếm hoi tại Việt Nam có khí hậu ôn đới, là nơi phù hợp nhất để có thể phát triển đàn bò sữa quy mô lớn. Với khí hậu lý tưởng, bò ở Mộc Châu thường chỉ sử dụng 50% lượng thức ăn cho các hoạt động của cơ thể, còn lại là để nuôi thai và sản xuất sữa, trong khi con số này ở bò nhiệt đới là 75%.

Dù sở hữu điều kiện chăn nuôi khá lý tưởng, nhưng năng suất sữa của đàn bò MCM lại đứng ở mức khá thấp so với các DN như Vinamilk hay TH Milk. Sự thiếu chọn lọc trong chăn nuôi là nguyên nhân chính dẫn tới năng lực cho sữa không đồng đều trong đàn bò.

Đây là lý do MCM chưa thể trở thành thế lực của ngành, dù là DN sữa đầu tiên với tuổi đời hơn 65 năm. Cũng chính vì lý do này, MCM dễ dàng bị Vinamilk thâu tóm sau thương vụ M&A mang tính bước ngoặt của ngành sữa vào đầu năm 2020.

Cuối năm 2020, MCM đưa CP lên giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 30.000 đồng/CP. Tuy nhiên, từ khi niêm yết trên sàn UPCoM, MCM chỉ tạo được sự chú ý của NĐT trong 2 tháng đầu với thanh khoản khá tốt. Sau đó, MCM nhanh chóng bị “quên lãng” và rất hiếm khi tạo sóng.

Ngay thời điểm “bùng nổ” của thị trường năm 2021, MCM cũng chỉ ghi nhận một vài phiên tăng mạnh. Thời gian gần đây, thanh khoản của MCM xuống rất thấp, thậm chí có phiên giao dịch chỉ có 4.000 CP được “sang tên”.

Sau hơn 2 năm niêm yết trên UPCoM, mới đây MCM đã gửi hồ sơ đăng ký niêm yết 110 triệu CP trên HoSE, với vốn điều lệ tương ứng 1.100 tỷ đồng. Kế hoạch niêm yết CP trên sàn HoSE đã được ĐHCĐ thường niên năm 2023 MCM thông qua vào cuối tháng 4.

Theo MCM, việc chuyển sàn niêm yết được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao giá trị DN , tăng tính minh bạch về mọi mặt, cả về hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác quản trị qua đó đảm bảo lợi ích cho cổ đông.

Thế nhưng, từ ngày được về “chung nhà” với “ông lớn” Vinamilk, MCM gần như không có chuyển biến tích cực nào. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, MCM vẫn chưa thể chủ động được nguồn nguyên liệu và phụ thuộc vào nguồn sữa mua từ các hộ chăn nuôi cá thể.

Như vậy, với những gì MCM ghi nhận thông qua kết quả kinh doanh trong năm 2023, cho thấy mã CP này khó làm nên bất ngờ khi chuyển niêm yết sang HoSE. Nhiều khả năng MCM sẽ có đợt bán tháo trước ngày hủy niêm yết UPCoM để luân chuyển tiền sang các mã CP có tiềm năng hơn, thay vì “chôn vốn” chờ đến ngày MCM niêm yết trở lại trên HoSE.

“Ngay trên sàn UPCoM mà MCM còn không được nhiều người để mắt tới thì làm sao thu hút được sự quan tâm của NĐT trên sàn HoSE. Bởi sàn HoSE vốn có rất nhiều mã CP có dư địa tăng trưởng cao đang niêm yết", một nhân viên môi giới có nhiều kinh nghiệm chia sẻ.

Bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty sữa nội địa, MCM còn đối mặt với những cạnh tranh từ các thương hiệu sữa quốc tế. Tiêu biểu là Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo ra một làn sóng sữa từ EU vào thị trường Việt Nam và gây ra một sức ép lớn đến thị phần sữa.

Các tin khác