MWG liệu có lặp lại sai lầm như F88?

(ĐTTCO) - Từng lấn sân vào lĩnh vực tài chính sau “cú bắt tay” bất thành với F88, nay CTCP Thế Giới Di Động (MWG) lại tiếp tục trở lại vào lĩnh vực tài chính đòi hỏi “chất xám” rất nhiều so với lĩnh vực bán lẻ cốt lõi. Liệu lần trở lại này có mang lại “làn gió mới” cho MWG?

MWG liệu có lặp lại sai lầm như F88?

“Canh bạc” cuối cùng?

Ngày 4-12, MWG thông báo hợp tác với Viettel, cung cấp dịch vụ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng tại hơn 2.200 cửa hàng Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) trên toàn quốc. Theo đó, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ở bất kể trong hay ngoài giờ hành chính, các ngày cuối tuần hay dịp lễ Tết với 40 ngân hàng được chấp nhận.

Theo thông báo của MWG: Tại các cửa hàng, khách sẽ được phục vụ một cách nhanh chóng, không phải lấy số hay xếp hàng chờ đợi, dịch vụ hỗ trợ nạp tiền và chuyển tiền vào tài khoản cho hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam, giúp tiết kiệm nhiều thời gian. Nếu như trước đây, khách hàng sẽ phải tới ngân hàng nộp tiền, thì nay với dịch vụ này, họ có thể ghé qua một cửa hàng TGDĐ hay ĐMX bất kỳ để nộp, tiền sẽ vào tài khoản ngay sau 5 phút.

Trước đó, MWG cũng đã công bố hợp tác với Tổng công ty Bảo hiểm PVI để mở rộng các điểm thu phí bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình. Theo đó, khách hàng có thể đăng ký tham gia mới hay gia hạn tại các điểm bán của chuỗi cửa hàng TGDĐ, ĐMX tại TPHCM từ ngày 22-11. Theo lộ trình, dự kiến dịch vụ sẽ được mở rộng ra khắp 63 tỉnh thành toàn quốc trong quý I-2024.

Theo nhận định của giới đầu tư, đây có thể xem là “canh bạc” mới của MWG, khi mảng kinh doanh bán lẻ công nghệ đã qua thời kỳ tăng trưởng nóng, và “canh bạc” trước đó là chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) vẫn là gánh nặng thay vì mang lại nguồn sinh lời mới như kỳ vọng.

Trong bối cảnh MWG liên tục “thua” ở các mảng kinh doanh mở mới trong thời gian gần đây, có thể xem “canh bạc” cuối cùng của MWG trong kế hoạch “níu kéo” mức tăng trưởng nóng trong quá khứ.

Có đi theo mô hình F88?

Có thể dễ dàng nhận thấy các bước đi gần đây của MWG khá tương đồng mô hình kinh doanh của chuỗi hệ thống dịch vụ tài chính F88. Việc lãnh đạo MWG theo đuổi mô hình này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi đây là lĩnh vực kinh doanh có khả năng thu lời cao.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, dịch vụ thu hộ là một nguồn thu nhập đầy tiềm năng và dễ dàng thu hút được dòng vốn từ các quỹ ngoại. Trước đây, F88 đã từng nhận được rất nhiều khoản đầu tư và đề nghị hợp tác từ các quỹ ngoại, thậm chí có cả MWG.

Cụ thể, cuối năm 2021, F88 hợp tác MWG. Thời điểm đó, mối quan hệ này bị dư luận nghi ngờ khi cả 2 cùng hợp tác cho vay tiền mặt với rất nhiều chi phí cao “chóng mặt”. Tuy nhiên, sau khi F88 bị điều tra, MWG đã tạm ngưng hợp tác để yêu cầu đối tác giải thích, làm rõ vấn đề liên quan.

Theo lý giải của MWG, trong thương vụ hợp tác với F88, doanh nghiệp chỉ làm trung gian kết nối giữa F88 và người có nhu cầu vay. Các thủ tục vay, xét duyệt, lãi suất, thời hạn trả nợ đều do phía F88 thực hiện.

Đây có thể xem là hành động “phủi” trách nhiệm, bởi khi hợp tác với F88, MWG từng quảng cáo: “F88 là một nhà cung cấp dịch vụ vay tiền với hệ thống hơn 500 phòng giao dịch trải rộng khắp cả nước. Sự hợp tác giữa MWG và F88 hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm tiện lợi cho mọi người trong vấn đề tài chính".

Vẫn đang trong vòng xoáy khó khăn

Cùng với kế hoạch lấn sân sang mảng tài chính, mới đây HĐQT của MWG bất ngờ công bố sẽ cân nhắc đóng cửa 200 cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận trong quý IV. Kế hoạch đóng cửa sẽ được MWG theo dõi sát sao kết quả để điều chỉnh phù hợp tại từng thời điểm. Tính đến cuối tháng 10, số lượng cửa hàng TGDĐ là 1.158 (trong đó có 99 TOPZONE) và 2.281 cửa hàng ĐMX.

Đồng thời, MWG cũng sẽ rà soát hoạt động của toàn bộ các phòng ban chức năng, hướng tới vận hành tinh gọn, đảm bảo khả năng tài chính lành mạnh và sẵn sàng nắm bắt cơ hội khi nhận thấy những tín hiệu khả quan.

Có thể nói, quyết định đóng cửa 200 cửa hàng là thông tin gây sốc với nhiều người, đặc biệt là với người lao động, bởi MWG được biết đến là doanh nghiệp khá “mạnh tay” trong việc chi thưởng Tết.

Những năm trước dịch Covid-19, mức lương của MWG được đánh giá khá cao và ổn định. Đơn cử năm 2016, nhân viên bán hàng của TGDĐ có mức thưởng tết là 2,5 tháng thu nhập, trong khi cấp quản lý sẽ được thưởng bằng cổ phiếu.

Năm 2020-2021, theo chia sẻ của nhiều nhân viên MWG, tùy theo bảng xếp loại, nhân viên có thể được thưởng tối đa 6-9 tháng lương. Riêng nhóm quản lý siêu thị được xét thưởng RBL (Ra biển lớn), mỗi người được thưởng trung bình khoảng 250-300 triệu đồng.

Nhờ mức chi trả hậu hĩnh này, năm 2020, MWG đứng thứ 12 trong “Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2020”, đồng thời nằm trong danh sách Top 50 doanh nghiệp Việt có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn.

Tuy nhiên, 2 năm gần đây, do hiệu quả kinh doanh đi xuống, MWG đã đẩy mạnh cắt giảm nhân sự. Tính đến cuối tháng 3 vừa qua, số lượng nhân viên của doanh nghiệp này giảm gần 6.000 người so với thời điểm đầu năm 2023.

Đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty này cắt giảm lượng lớn nhân viên trong bối cảnh sức mua của thị trường bán lẻ suy yếu. Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV-2022, quy mô nhân sự của MWG đã bị thu hẹp còn hơn 73.200 nhân viên. Điều này đồng nghĩa chỉ trong vòng 3 tháng, MWG đã cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, tương đương 4% nhân sự.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 quý, số lượng nhân sự của MWG đã giảm gần 13.000 người, đưa quy mô nhân sự về mức tương đương cuối năm 2021. Nay với việc đóng thêm 200 cửa hàng, những danh hiệu kể trên chắc chắc sẽ không còn hiện diện ở MWG, thậm chí nhiều nhân viên còn bày tỏ lo lắng sẽ bị mất việc khi Tết đang cận kề.

Đến thời điểm hiện tại chưa có mảng kinh doanh mới nào của MWG mang lại hiệu quả như mảng kinh doanh đầu tiên là TGDĐ. Thậm chí, MWG buộc phải “khai tử” nhiều mảng kinh doanh kém như: Bluetronics (Campuchia), AvaSport, vuivui.com, điện thoại siêu rẻ, mắt kính.

Các tin khác