Ô nhiễm từ nuôi cá lồng bè
Phong trào nuôi cá lồng bè tự phát trên sông Đồng Nai không chỉ cản trở giao thông đường thủy nội địa mà còn báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng này phát triển rầm rộ từ hàng chục năm nay, trong đó tập trung và nổi tiếng nhất là làng cá bè Tân Mai (TP Biên Hòa) và làng cá bè La Ngà (huyện Định Quán).
Từ một dòng sông trong xanh, giờ đây sông Đồng Nai đang đối mặt với tình trạng nhiễm bẩn nguồn nước bởi các chủ nuôi cá ngoài sử dụng bột thức ăn công nghiệp còn dùng cả nội tạng động vật, phân heo, phân bò làm thức ăn cho cá, khiến môi trường nước và không khí bị ô nhiễm.
Làng cá bè Tân Mai được hình thành tự phát từ những năm 1954, ban đầu chỉ vài chục ghe nhỏ sống quần cư trên một góc sông, dần theo thời gian hình thành nên cả một làng chài nuôi cá bè. Hiện dọc theo bờ sông Đồng Nai thuộc 3 phường Tân Mai, Tam Hiệp và Thống Nhất có cả trăm lồng bè nuôi cá diêu hồng, rô phi và cá trê lai. Lồng nuôi loại cá diêu hồng và rô phi được người nuôi dùng thức ăn công nghiệp, còn ở lồng bè nuôi cá trê, một số chủ đem nội tạng động vật làm thức ăn cho cá.
Thấy có sự phát triển tràn lan, thiếu tổ chức, kiểu mạnh ai nấy làm, TP Biên Hòa đã cùng cơ quan chuyên môn làm quy hoạch để ổn định khu vực làng bè theo hướng tạo điều kiện cho người dân làm ăn, cùng với định hướng phát triển kinh tế vẫn phải tạo cảnh quan đô thị trên sông. Tuy nhiên, do quy hoạch xong không sắp xếp được, số bè cá tăng mạnh. Cuối năm 2016, đã có khoảng 500 bè với hơn 1.000 lồng, tăng gấp 4-5 lần so với quy hoạch. Hiện nay, con số bè đã lên tới cả ngàn, nhưng chính quyền TP Biên Hòa vẫn đang loay hoay với việc sắp xếp, quy hoạch làng cá bè này. Tương tự, làng cá bè La Ngà hiện có khoảng 500 bè nhưng số lồng tới hơn cả ngàn.
Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, tại khu vực làng cá bè Tân Mai, chất lượng nước mặt luôn trong tình trạng ô nhiễm, hàm lượng ôxy hòa tan DO thấp, dao động từ 0,4 - 5,8 mg/lít, hàm lượng các chất hữu cơ, dinh dưỡng, TSS, vi sinh không đạt so với quy chuẩn. Cụ thể, COD vượt 1,1 - 3,2 lần, BOD5 vượt 2,7 lần, TSS vượt 1,4 - 1,5 lần, amoni vượt 2,8 - 23,2 lần, Ecoli vượt 46 - 480 lần, Colifrom 1,9 - 18,6 lần.
Còn tại khu vực làng cá bè La Ngà, chất lượng nước mặt cải thiện hơn so với đợt quan trắc tháng 7-2019. Khu vực từ cách cầu La Ngà 1,5km về phía hạ lưu đến hợp lưu suối Tam Bung - sông La Ngà, hầu hết các thông số đều đạt quy chuẩn cho phép. Riêng vị trí số 1 Tam Bung chất lượng nước ô nhiễm do hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng không đạt so với quy chuẩn. Cụ thể, TSS (tổng rắn lơ lửng) vượt 1,2 lần, COD vượt 2,3 lần, photphat vượt 4,9 lần, nitric vượt 5,8 lần.
Không đạt chất lượng nước sinh hoạt
Theo kết quả quan trắc mới nhất vào tháng 8-2019 của Sở TN-MT Đồng Nai, chất lượng nước sông Đồng Nai trên 4 đoạn chảy qua địa bàn tỉnh có hàm lượng amoni, TSS, DO (lượng ôxy hòa tan trong nước), vi sinh… không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. So sánh với kết quả quan trắc cùng thời kỳ năm 2018 thì thấy đoạn 1 từ thượng nguồn sông Đồng Nai, huyện Tân Phú đến hồ Trị An và đoạn 2 từ hồ Trị An đến bến đò Biên Hòa - Bửu Long của sông Đồng Nai chảy qua địa bàn tỉnh, chất lượng nước mặt đều bị suy giảm.
Đối với đoạn 3 từ bến đò Biên Hòa - Bửu Long đến cầu Đồng Nai và đoạn 4 từ cầu Đồng Nai đến hợp lưu với sông Sài Gòn, chất lượng nước mặt tương đương với cùng kỳ năm 2018. Từ kết quả quan trắc nói trên, Sở TN-MT xác định chất lượng nước mặt tại 4 đoạn trên của sông Đồng Nai không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt.
Ngoài ra, tại các vị trí cấp nước trên sông Đồng Nai gồm Nhà máy nước Thiện Tân, Trạm bơm nước Hóa An và Nhà máy nước Biên Hòa, chất lượng nước không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt sau xử lý do hàm lượng hữu cơ, TSS, dinh dưỡng và vi sinh tăng cao, không đạt so với quy chuẩn QCVN 08-MT:2015 BTNMT, cột A2. Cụ thể, COD vượt 1,1 - 1,3 lần, TSS vượt 1,4 - 1,6 lần, amoni vượt 1,1 - 2,6 lần, E.Coli vượt 18,6 - 150 lần, Colifrom vượt 3 - 9,2 lần.
Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai Đặng Minh Đức cho biết, căn cứ kết quả quan trắc chất lượng nước sông Đồng Nai, sở cũng đã đề nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước Đồng Nai tăng cường kiểm soát chất lượng nước mặt trước và sau khi xử lý để đảm bảo chất lượng nước cấp đạt quy chuẩn cho người dân sử dụng.
Trong đó, lưu ý kiểm soát chất lượng nước mặt trước khi vào Nhà máy nước Thiện Tân, Trạm bơm nước Hóa An và Nhà máy nước Biên Hòa. Sở cũng đề nghị UBND các huyện, TP Long Khánh và TP Biên Hòa có biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải trên địa bàn; các sông, suối có chất lượng nước mặt không có dấu hiệu cải thiện và luôn trong tình trạng ô nhiễm, đề nghị thực hiện các dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy, che chắn khu vực xung quanh sông suối gây tắc nghẽn dòng chảy và gia tăng ô nhiễm nước mặt.
Đề nghị Sở NN-PTNT Đồng Nai, UBND các huyện, TP Long Khánh, TP Biên Hòa, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai thông báo đến người dân trong khu vực, đặc biệt là các hộ dân sử dụng nguồn nước trong quá trình nuôi trồng thủy sản, để có biện pháp ứng phó kịp thời.
TPHCM trước nguy cơ mất an toàn cấp nước
Ngày 19-11, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho biết, đơn vị đã kiến nghị các cơ quan chức năng TPHCM có các phương án ứng phó với nguy cơ mất an toàn nguồn nước do sự cố ô nhiễm; đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp nước cho TPHCM đến 50 năm sau.
Hiện nay, Sawaco lấy nước thô từ sông Sài Gòn (tại trạm Hòa Phú, huyện Củ Chi, TPHCM) và từ sông Đồng Nai (trạm bơm Hóa An, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Nguồn nước thô này được dẫn về cụm Nhà máy nước Tân Hiệp và Nhà máy nước Thủ Đức xử lý, rồi cung cấp cho 100% người dân TPHCM.
Tuy nhiên, chất lượng nước sông Sài Gòn từ Hóa An về Cát Lái đang bị ô nhiễm, đặc biệt ô nhiễm vi sinh nghiêm trọng. Sở Xây dựng TPHCM phân tích, do TPHCM nằm ở cuối lưu vực nên gặp nhiều khó khăn, không chủ động kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mặt được. Mặc dù các cơ quan quản lý thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đặc biệt là sông Sài Gòn vẫn biến động với xu hướng xấu hơn. Các chỉ tiêu ammonia, hữu cơ, vi sinh, mangan… trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy nước và có nguy cơ gây mất an toàn cấp nước cho TPHCM trong tương lai.
Trước tình trạng này, Sawaco thực hiện nhiều giải pháp kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt nguồn nước thô trước khi đưa vào nhà máy. Định kỳ hàng tháng, các chuyên gia của Sawaco lấy mẫu nước kiểm tra, đi giám sát nguồn nước dọc lưu vực sông, cả các kênh rạch lớn chảy vào sông. Trên cơ sở đó cũng có thể ghi nhận được các điểm phát sinh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông và thực hiện các biện pháp khắc phục, phòng ngừa.
Tại các nhà máy nước, Sawaco trang bị hệ thống giám sát, cảnh báo sớm chất lượng nước thô và xây dựng các phương án ứng phó kịp thời khi có sự cố ô nhiễm trên sông. Các nhà máy nước cũng thực hiện các giải pháp, công nghệ xử lý nước hiện đại, có khả năng xử lý tốt các chất ô nhiễm, để đảm bảo nước đầu ra đạt tiêu chuẩn.
Sawaco còn tổ chức giám sát chất lượng nước từ đầu nguồn đến khi nước vào nhà máy xử lý và trên hệ thống đường ống. Đây là hệ thống giám sát chất lượng nước online, cho kết quả hàng giờ. Qua hệ thống giám sát online, nếu phát hiện các chất hữu cơ hoặc amoni tăng cao, bộ phận vận hành sẽ điều chỉnh clo xử lý nước từ trạm bơm về nhà máy. Trường hợp ô nhiễm vượt ngưỡng xử lý buộc phải ngưng lấy nước sông Sài Gòn.
Kế đến, Sawaco nhờ Nhà máy nước Kênh Đông tăng công suất để “bù vào” hoặc đề nghị hồ phía Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn, rửa ô nhiễm nguồn nước mặt. “Các nhà máy nước trên địa bàn TPHCM đều thực hiện chương trình cấp nước an toàn, xây dựng các thông số tới hạn đối với các chỉ tiêu có nguy cơ rủi ro cho hệ thống cấp nước”, một lãnh đạo Sawaco khẳng định.
Song song đó, ngành cấp nước TPHCM cũng có phương án ứng phó với những rủi ro này. Để “kiểm tra chéo” chất lượng nguồn nước, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM thực hiện giám sát độc lập chất lượng nước trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, theo Sawaco, cần có các phương án ứng phó với nguy cơ mất an toàn nguồn nước do sự cố ô nhiễm, từ đó đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp nước cho TPHCM đến 50 năm sau.
Cụ thể, Sawaco đề nghị, về lâu dài cần có phương án xây dựng các hồ lắng lọc, xây dựng đập ngăn mặn ở thượng nguồn sông Sài Gòn và hồ lắng lọc, điều tiết dọc sông Đồng Nai hoặc sông Sài Gòn. Ngoài ra, trong kế hoạch cấp nước an toàn, Sawaco cũng đề xuất phương án TPHCM xem xét xây dựng các bể chứa nước ngầm trong khu vực nội đô. Đây sẽ là nguồn dự trữ nước sạch cho người dân khi có các sự cố bất ngờ xâm hại an toàn nguồn nước.