Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ

Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ

(ĐTTCO) - Với nhiều người, thường phải 2-3 lần đi mới khám phá được nhiều địa điểm ở Hà Giang. Nên sau mỗi lần chia xa, lại cảm thấy thèm thấy nhớ. Người ta chia sẻ trên facebook: “Cảnh sắc Hà Giang gây nghiện, gây thương nhớ!”, “4 mùa Hà Giang, em là để yêu”...
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 1
 
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 2
Rời khỏi cột cờ Lũng Cú khi trời đã muộn, chúng tôi quay về thị trấn Đồng Văn để ngủ qua đêm, kết thúc hành trình ngày thứ hai đi liên tục.

Đúng là sau nhiều năm, "phố núi" đã đổi thay đáng kể, nhưng ngổn ngang về quy hoạch, bị bê-tông hóa. Nhà cổ mái ngói nằm lẫn trong nhà tầng, nhà kiên cố, mái bằng, mái tôn lố nhố. Lượng homestay, nhà nghỉ, khách sạn mọc lên, biển treo chi chít. Song cũng mạnh ai nấy mở, mỗi nơi một kiểu manh mún và hầu hết chỉ là chỗ trọ bình dân, ở tạm. Khách sạn loại 2-3 sao cao nhất ở đây chỉ có "Hoa Cương" (có nhà hàng riêng, có ăn sáng) nằm ở trung tâm, gần chợ phiên và khu phố cổ. Còn nhớ lúc ở Hà Giang, một lái xe đường dài nói với tôi: "Du lịch Đồng Văn còn kém lắm. Giá cả đắt đỏ mà cũng chẳng có gì để ăn, để mua". Theo nhiều du khách, do xa xôi, đường sá khó khăn nên giá phòng trọ và dịch vụ ăn uống ở Đồng Văn khá mắc so với các khu du lịch khác. Thế mà những năm trước khi có dịch, vào các mùa lễ hội tam giác mạch, du khách khắp nơi nườm nượp đổ về, nhiều khi muốn book một chỗ qua đêm cũng không nổi. Nhiều người còn không tìm được chỗ ở, phải ngủ trên xe, ngủ tạm ngoài đường...

Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 3
Khu vực "Phố cổ Đồng Văn" nằm ở trung tâm chỉ còn may mắn sót lại hơn chục ngôi nhà cổ nữa. Còn lại đã bê-tông hết, hiện đại hết. Còn nhớ 6-7 năm trước, chính chủ nhân những ngôi nhà này đã đề nghị chính quyền cho phép tiếp tục phá bỏ nhà cổ, nhà đất cũ để xây nhà bê-tông mới do nhà đất bị xuống cấp. Không ngờ bây giờ, chính những ngôi nhà cổ - cũ này lại có sức hút về du lịch hơn, trở thành các homestay, quán ăn đặc sản, cafe, trà sữa... hút khách. Nhờ đó, một số ngôi nhà đã được chủ nhân hoặc người mua lại trùng tu, đầu tư để làm du lịch.
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 4

Bữa tối không đặt trước của chúng tôi là tại nhà hàng Tiến Nhị nằm ở ngã tư phố cổ và trên đường dẫn xuống khu chợ phiên mới. Mặc dù vừa qua đại dịch, khách phượt chưa nhiều nhưng quán vẫn khá đông khách. Đây là một trong 3 nhà hàng lâu đời nhất ở cao nguyên đá. Bà chủ quê ở Cao Bằng nên thi thoảng mang theo đặc sản bánh khảo sang Đồng Văn bán cho du khách. Hồi đầu, chỉ là một quán cơm nhỏ, mở ra phục vụ xe khách đường dài. Sau nhờ du lịch phát triển với những mùa lễ hội hoa tam giác mạch, quán ăn Tiến Nhị mở mang, nâng cấp thành một nhà hàng. Nhiều quán ăn, nhà hàng khác cũng theo nhau xuất hiện. Ở đây, tôi ấn tượng với cách làm "bánh phở tươi". Các cô gái đứng nhào bột với nước sôi, tráng ra mâm nhôm, cuốn lại thành miếng bánh lớn, rồi cắt ra thành từng sợi dày, bày lên đĩa để ăn phở, ăn lẩu ngay tại chỗ. Được làm thủ công và không ngâm tẩm, tẩy trắng nên sợi bánh ở đây thường có màu sậm, không như bán, bún bán ở Hà Nội. Ngoài ra, các món ăn lạ ở Đồng Văn là gà đen, thắng cố ngựa, cháo ấu tẩu, xôi ngũ sắc, rượu ngô men lá, bánh tam giác mạch, bia tam giác mạch, thịt trâu gác bếp, lạp xưởng, thịt heo hun khói... Du khách có thể thưởng thức các đặc sản này tại khu phố cổ, nhất là trong chợ Đồng Văn.

Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 5
Chợ phiên Đồng Văn có đặc điểm là mỗi tuần chỉ họp một lần vào sáng chủ nhật. Trong chợ, người ta bán đủ các thứ các món, nhưng nổi bật là khu ẩm thực rượu với thắng cố và khu trao đổi thú nuôi, gia súc... Quá trưa là tan. Nên để gặp được phiên chợ, các nhóm đi phượt lẫn du khách thường phải lên lịch cả tháng trước. Phần lớn sẽ khởi hành từ Hà Nội vào đêm thứ sáu. Sáng thứ bảy bắt đầu hành trình từ TP Hà Giang ngược cao nguyên đá. Đến tối thứ bảy là có mặt ở Đồng Văn để sáng chủ nhật đi chợ. Sau đó tranh thủ đi ra đèo Mã Pì Lèng "sống ảo", cafe ngắm sông Nho Quế từ cung đường Hạnh Phúc, ngồi thuyền ngược hẻm sâu Tu Sản... Trưa chủ nhật rời cao nguyên đá quay về TP Hà Giang, trả xe máy mướn. Đêm chủ nhật lên xe khách trở về Hà Nội. Sáng thứ hai vẫn kịp đi làm.
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 6
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 7

Theo kinh nghiệm của nhiều phượt thủ, để khám phá hết địa điểm đẹp của Hà Giang thì thường lịch trình cần khoảng 4-5 ngày. Nếu đi 2 ngày 3 đêm thì chỉ "cưỡi ngựa xem hoa", cả ngày hầu như chỉ cắm mặt chạy, tóc dựng đứng, mỗi điểm chỉ ở khoảng 10-15 phút. Chỉ check-in được các điểm chính như cổng trời Quản Bạ, thung lũng Sủng Là, dinh vua Mèo, cột cờ Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế... Vì thế mà với nhiều người, thường phải 2-3 lần đi mới khám phá được nhiều địa điểm ở Hà Giang. Nên sau mỗi lần chia xa, lại cảm thấy thèm thấy nhớ. Người ta chia sẻ trên facebook: "Cảnh sắc Hà Giang gây nghiện, gây thương nhớ!", "4 mùa Hà Giang, em là để yêu"...

Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 8
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 9
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 10
Sau một đêm ngủ lại "phố núi" Đồng Văn, ngày thứ ba, chúng tôi lên đường đi sang Mèo Vạc để check-in đèo Mã Pì Lèng và dòng sông Nho Quế. Quãng đường Đồng Văn - Mèo Vạc dài khoảng 25km được gọi là cung đường Hạnh Phúc, do các TNXP năm xưa xây dựng, có rất nhiều chỗ để ngắm sông Nho Quế. Chỗ nào cũng muốn dừng, muốn làm vài "pô" làm kỷ niệm. Núi non trùng điệp, vực hẻm hun hút tạo cảm giác choáng ngợp nhưng thích thú với đại kỳ quan. Điểm "viewpoint" đầu tiên chỉ nằm cách Đồng Văn chừng 10km, ở thôn Tà Làng. Từ đây có thể trông rõ Nhà máy Thủy điện Nho Quế và khu bến thuyền nằm cách mặt đập 100m, nhỏ như bao diêm, bao thuốc lá, tít bên dưới.
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 11
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 12

Lần đầu nghe cái tên Mã Pì Lèng có lẽ nhiều người run sợ nhưng thực tế hiện nay cũng không còn khó đi như nhiều năm trước vì đã nâng cấp, rộng, có ta-luy âm bảo vệ, đảm bảo an toàn nếu kiểm soát tốt tốc độ, xe cộ có phanh thắng tốt. Thậm chí các nữ phượt thủ cũng có thể cầm tay lái.

Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 13

Ước mơ của các thành viên trong đoàn không chỉ là leo cột cờ Lũng Cú, lượn các cung đèo huyền thoại mà còn một lần được dạo chơi sông Nho Quế. 7-8 năm trước chưa có "trend" đi chụp ảnh sông Nho Quế, hẻm Tu Sản như bây giờ. Hồi đó, vẻ đẹp của sông Nho Quế chủ yếu do các phượt thủ mò mẫm khám phá. Các bến thuyền, dịch vụ dạo sông chụp ảnh chỉ xuất hiện kể từ khi có Nhà máy Thủy điện Nho Quế ngăn nước lại, tạo thành một hồ nước cao trên thượng đập.

Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 14
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 15
Bến thuyền đón khách du lịch hiện nay chuyển về khu vực cách đập thủy điện khoảng 100m. Cả bến có hơn 60 con thuyền lớn nhỏ. Để xuống được bến, du khách phải chạy xe tới làng văn hóa Mông - Pả Vi nằm bên cung đường Hạnh Phúc (còn cách thị trấn Mèo Vạc 5km). Rẽ trái theo "đường thủy điện" chừng 4km là tới điểm gửi ô tô, xe máy để đi bộ xuống bến thuyền thủy điện. Từ trạm gửi xe xuống bến, dốc như dựng đứng, chỉ có xuống không có lên, với quãng hơn 1km. Ngay cả phượt thủ thâm niên cũng không dám dong xe xuống. Nếu ai sức kém không thể đi bộ, có thể mướn dân bản địa "tăng bo" bằng xe máy có "bánh sắt". Giá dịch vụ khoảng 50.000-100.000 đồng/lượt tùy thời điểm.
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 16
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 17

Cách khác nhàn hơn là đi tắt qua nhà máy thủy điện, sau đó đi bộ từ đập thủy điện ra bến thuyền, nhưng phải là chỗ thân quen tin tưởng, lãnh đạo nhà máy thủy điện mới mở cổng cho đi nhờ. Chúng tôi may mắn được nhà máy cho đi tắt qua lối này nên ra tới bến nhanh hơn, dễ hơn.

Đón chúng tôi đi dạo sống ảo trên sông Nho Quế là nhà thuyền Tu Sản. Trước đây, trên sông chỉ có gần chục con thuyền hoạt động theo kiểu tự phát. Sau tăng dần lên hơn 60 thuyền (của gần 50 gia đình) nên để tránh cảnh bát nháo, chính quyền địa phương yêu cầu thành lập hợp tác xã vận tải thủy, phân bổ đồng đều khách cho từng thuyền. Thuyền nào tới lượt thì được chạy. Nếu vắng khách, có nhà thuyền phải chờ 3-4 ngày mới được chạy. Mô hình này cũng giống như ở khu du lịch chùa Hương (Hà Nội) áp dụng.
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 18

Từ bến thủy điện, thuyền chạy ngược dòng Nho Quế lên hẻm Tu Sản cách độ 1-2km. Nước sông xanh như mắt mèo, mắt sói. Cậu lái thuyền bảo bên dưới sâu 50m. Hai bên hẻm là vách đá cao vút mắt. Phải ngửa hẳn cổ mới trông thấy đỉnh. Vậy mà thi thoảng vẫn có những chái nhà gỗ mái lá tạm bờ, dựng lẻ loi trên lưng núi. Người dân tranh thủ trồng bắp, nuôi bò trên những sườn non cheo leo, tranh thủ từng vạt đất mỏng bám trên mặt đá, đến mức chỉ cần một trận mưa lớn là trôi tuột mất.

Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 19

Tổng thời gian đi trên sông chỉ độ 1 tiếng đồng hồ. Nắng lên sông càng trong hơn, nước chảy hiền hoà. Các phượt thủ kể, những ngày mưa phùn, có sương mù, hẻm Tu Sản rất lạnh và mộng mị. Dường như khách du lịch nào đặt chân tới cao nguyên đá Hà Giang cũng muốn một lần được lặn lội xuống sông Nho Quế. Mọi người thi nhau tạo dáng chụp hình sống ảo. Có cả du khách nước ngoài. Mùa hè, nhiều đoàn còn thuê kayak, chèo thuyền tắm mát cả ngày. Các cô gái thường xách theo cả vali trang phục cưới, trang phục biểu diễn, các mẫu váy áo, phụ kiện... để chụp ảnh trên mũi thuyền khi đi vào hẻm Tu Sản. Một số nhà thuyền hiện nay còn có dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc để khách chụp ảnh... với giá khoảng 30.000-100.000 đồng/lượt. Còn giá vé đi thuyền sông Nho Quế hiện được niêm yết là 100.000 đồng/người. Mỗi thuyền chở không quá 12 người.

Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 20
Sông Nho Quế, hiền hòa nhưng hùng vĩ ảnh 21

Mải mê ngắm sông Nho Quế cũng hết buổi sáng, chúng tôi về bến, lên xe để sang Mèo Vạc ăn trưa. Ăn xong là chia tay cao nguyên đá, hạ sơn ngay. Từ Mèo Vạc có đường tắt về Yên Minh qua Lũng Phìn - Mậu Duệ, nhưng do đang thi công, khó đi hơn, nên chúng tôi men theo đường cũ quay về Quản Bạ với chặng đường khoảng 130km, để kịp ngủ một đêm homestay nhà trình tường đất ở Nậm Đăm mà bữa trước chưa có dịp. 

Các tin khác