“Sóng Noel, sóng đầu năm” vẫn rất mông lung

(ĐTTCO) - Thị trường cuối năm tài chính thường có sóng tăng, thậm chí con sóng đó còn được đặt tên là “sóng Noel” (Santa Claus rally). Thông lệ này được hình thành dựa trên niềm tin, rằng các quỹ đầu tư sẽ cố gắng làm đẹp báo cáo cuối năm bằng cách kéo giá cổ phiếu (CP) lên để báo cáo cổ đông. Thế nhưng năm nay có thể sẽ khác...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lịch sử không phải lúc nào cũng lặp lại

Thống kê trong 10 năm trở lại đây, năm nào cũng có ít nhất một nhịp tăng trong tháng 12 với biên độ khác nhau. Thí dụ năm 2014 chỉ số VN Index tăng trong tháng 12 là 5,29%, năm 2015 chỉ là 1,85%, nhưng năm 2017 lại tới 7,28%. Hay gần nhất năm 2020 chỉ số tăng tới 10%, năm 2021 là 5,99%. Cũng có những năm thị trường tăng nửa đầu tháng, giảm nửa sau như năm 2018 tăng 3,15% và 2 tuần cuối lại giảm 7,15%.

Nhìn chung trong giai đoạn thị trường bình thường, nhịp tăng tháng 12 đều xuất hiện tạo cơ hội đầu cơ ngắn hạn khá thuận lợi. Điểm tạo nên sự đa dạng trong các nhịp tăng này là thời điểm: Nếu thị trường đã tăng mạnh ngay từ đầu tháng, thì thường chững dần lại về cuối tháng hoặc ngược lại theo hướng giảm trước tăng sau, chỉ có 3/10 lần tháng 12 là thị trường tăng trọn tháng.

Năm 2022 này thị trường đang phát đi những tín hiệu bất thường, khi từ đầu tháng tới nay VN Index chỉ mới có duy nhất 2 phiên tăng đầu tiên, và từ đỉnh đó thị trường đã giảm khoảng 6,8% (đến ngày 21-12). Nếu thị trường lặp lại kịch bản giảm trước tăng sau, nhà đầu tư (NĐT) có thể kỳ vọng vào một nhịp tăng ở tuần cuối cùng của năm 2022.

Tuy vậy, lịch sử không phải lúc nào cũng lặp lại. Giai đoạn cuối năm 2022 thị trường chứng khoán Việt Nam đã “phát quà” ngay từ tháng 11, với nhịp tăng khoảng 19,8% kể từ khi VN Index chạm đáy thấp nhất 873,78 điểm ngày 16-11. Hàng trăm CP đạt mức tăng vượt trội so với chỉ số, đem lại cơ hội giảm lỗ cho rất nhiều NĐT sau đà lao dốc tới 32% kể từ đỉnh tháng 8-2022 hay giảm tới 43% kể từ đỉnh đầu năm.

Thống kê với sàn HoSE, có tới trên 300 CP đạt biên lợi nhuận tối đa trong tháng 11 và 12 từ 20% trở lên, tức là tăng mạnh hơn chỉ số. Khoảng một nửa trong số này đạt biên độ tăng tối đa trên 50%. Một vài mã “khủng” như MCG chạm đáy 1.270 đồng ngày 16-11 và tăng lên cao nhất tới 3.550 đồng ngày 6-12, tương đương tăng gần 2,8 lần. APG từ 2.400 đồng lên 6.590 đồng, tăng 2,74 lần. TGG từ 2.140 đồng lên 4.910 đồng tăng 2,3 lần. Loạt CP tăng giá gấp đôi như CTS, HID, HQC, NKG, DLG, DIG, VOS, TTB, ITA, HSG, TCD...

Thậm chí ngay trong rổ blue chips VN30 cũng có HPG tăng 80%, GVR tăng 75%, KDH tăng 72%, SSI tăng 67%, STB tăng 64,7%, TCB tăng 58,8%.

Biên độ tăng trên 50% trong chưa đầy 2 tháng phải gọi là “con sóng thần” chứ không phải “sóng quà Tết” nữa. Điều này đặt ra câu hỏi liệu sau một nhịp tăng dữ dội như vậy, thị trường có đà tăng tiếp hay không?

Thực sự không nhiều NĐT nghĩ đến một cơ hội lợi nhuận lớn đến như vậy trong tháng 11. Một nghịch lý là sóng tăng càng mạnh thì NĐT càng dễ chốt lời và nghỉ ngơi. Khi giá CP giảm, NĐT có thể đồng thuận “gồng lỗ”, nhưng ở chiều tăng, sự phân hóa về quan điểm lại tạo nên đám đông hỗn loạn.

Một đợt bán lớn xuất hiện trong 2 tuần đầu tháng 12 với quy mô giao dịch khớp lệnh HoSE và HNX khoảng 18.000 tỷ đồng/ngày (phiên đỉnh cao là ngày 6-12 với 24.500 tỷ đồng). Đây là mức giao dịch rất lớn nếu so với quy mô trung bình chỉ 10.000 tỷ đồng/ngày trong 2 tuần giữa tháng 11, khi thị trường chạm đáy. Sau đợt chốt lời lớn nói trên, thanh khoản 2 tuần qua chỉ còn trung bình 13.500 tỷ đồng/ngày.

Có thể thấy một lượng tiền khá lớn đã được rút ra nghỉ ngơi. Đây chính là sự khác biệt so với các giai đoạn tháng 12 trước đây. Dòng tiền thật sự quan tâm đến cơ hội ngắn hạn, bất kể là thời gian có trùng khớp hay không. Thí dụ rất rõ là khối tự doanh các công ty chứng khoán sau khi mua ròng liên tục suốt từ đầu tháng 11, thì 2 tuần qua cũng bắt đầu bán ròng qua khớp lệnh. Rất có thể từ lương thưởng đến lợi nhuận tự doanh quý IV-2022 trông cả vào món tiền quà Tết đến sớm này. “Sóng Noel” có thể đúng với thế giới, nhưng chưa chắc đúng với thị trường Việt Nam năm nay.

Nguy cơ phía trước

Ngoài “sóng Noel”, thị trường cũng kỳ vọng vào xu hướng đi lên với kết quả kinh doanh quý IV hàng năm, thường xuất hiện trong tháng 1-2 của năm kế tiếp. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm khác biệt của năm 2022, khi những rắc rối trên thị trường trái phiếu, đầu tư tài chính trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, môi trường lãi suất cao, sụt giảm xuất khẩu và sản xuất công nghiệp... dự báo một quý IV khó khăn, thậm chí là cả quý I-2023.

Những nhóm ngành liên quan như bất động sản, ngân hàng, xuất khẩu đang được chờ đợi sẽ công bố các con số kém tích cực. Nợ xấu có thể gia tăng và phải đợi báo cáo tài chính năm để biết rõ.

Mặc dù loạt thông tin tích cực gần đây như một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay khi được nới room tín dụng, tỷ giá hạ nhiệt, các doanh nghiệp bất động sản tích cực mua lại trái phiếu trước hạn làm giảm áp lực vốn tháng cuối năm 2022, nhưng đó chưa phải là giải pháp căn cơ. Thực tế những áp lực này vẫn sẽ kéo dài, thậm chí còn nặng nề hơn trong quý I-2023. Đà tăng lãi suất trong nước tạm thời được hạn chế, nhưng áp lực duy trì mặt bằng lãi suất cao chắc chắn vẫn còn kéo dài khi Fed vẫn duy trì tiến trình tăng lãi suất mục tiêu để kiềm chế lạm phát.

Nguy cơ suy thoái kinh tế ở những thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU dự kiến sẽ phản ánh tác động lên kết quả kinh doanh quý I-2023. Nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn sẽ gặp khó khăn. Thị trường chứng khoán không nhìn vào hiện tại, mà chiết khấu rủi ro trong tương lai và khi tương lai bất định, thị trường có lý do để thận trọng.

Dự báo một quý IV khó khăn, thậm chí là cả quý I-2023. Những nhóm ngành liên quan như bất động sản, ngân hàng, xuất khẩu đang được chờ đợi sẽ công bố các con số kém tích cực.

Các tin khác