S&P 500 lần đầu chạm đỉnh; Dầu giảm 2 tuần hai liền do lo ngại về nhu cầu

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ vào thứ Sáu (09/6), chạm mức 4.300 lần đầu tiên kể từ tháng 8/2022 khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát sắp tới và thông báo chính sách mới nhất của Fed. 
S&P 500 lần đầu chạm đỉnh; Dầu giảm 2 tuần hai liền do lo ngại về nhu cầu

S&P 500 tăng 4 phiên liền

Khép phiên, chỉ số S&P 500tiến 0,11%, đóng cửa ở mức 4.298,86. Nasdaq Composite nhích 0,16% lên 13.259,14. Chỉ số Dow Jones giao dịch tăng 43,17 điểm, tương đương 0,13% đạt 33.876,78, đánh dấu ngày tăng thứ tư liên tiếp của chỉ số này.

Trong tuần, S&P 500 tăng 0,39%. Đây là tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp - một kỳ tích mà S&P 500 đạt được lần gần đây nhất vào tháng 8/2022. Nasdaq nhích khoảng 0,14%, ghi nhận tuần tăng thứ bảy liên tiếp – chuỗi thắng lợi dài nhất kể từ tháng 11/2019. Dow Jones tăng 0,34%.

Các nhà đầu tư được củng cố thêm niềm tin bởi các dấu hiệu cho thấy một lượng lớn cổ phiếu, bao gồm cả cổ phiếu vốn hóa nhỏ, đang tham gia vào đợt tăng giá gần đây. Chỉ số Russell 2000 giảm nhẹ trong ngày, nhưng ghi nhận mức tăng hàng tuần là 1,9%.

“Đây là lần đầu tiên sau một khoảng thời gian, các nhà đầu tư dường như cảm thấy chắc chắn hơn. Và chúng tôi nghĩ rằng đó là một bước ngoặt từ tâm lý thận trọng trước đây,” Greg Bassuk, Giám đốc điều hành của AXS Investments cho biết.

Scott Ladner, giám đốc đầu tư của Horizon Investments chia sẻ: “Chúng tôi nghĩ rằng khi chúng ta trải qua những tuần tới, điều đó sẽ ngày càng rõ ràng rằng nền kinh tế đang phục hồi tốt hơn những gì mọi người đã nghĩ trong sáu tháng qua.”

Thị trường cũng đang hướng tới các con số về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tuần tới và cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Theo CME FedWatch Tool, thị trường hiện đang dự đoán hơn 71% khả năng ngân hàng trung ương sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6.

Lo ngại về nhu cầu làm lu mờ việc cắt giảm của Saudi

Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent kỳ hạn sụt 1,17 USD, tương đương 1,5%, xuống 74,79 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 1,12 USD, tương đương 1,6%, còn 70,17 USD/thùng.

Cả hai loại dầu chuẩn đều mất hơn 3 đô la vào thứ Năm, sau khi một phương tiện truyền thông đưa tin rằng một thỏa thuận hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Iran sắp đạt được và sẽ mang đến nhiều nguồn cung dầu hơn. Giá dầu đã xóa bớt đà giảm sau khi cả hai quốc gia phủ nhận tin tức này, kết phiên giảm khoảng 1 đô la/thùng.

Giá dầu đã tăng vào đầu tuần, được hỗ trợ bởi cam kết cắt giảm sản lượng nhiều hơn so với các thỏa thuận cắt giảm trước đó với OPEC+ của Ả Rập Saudi vào cuối tuần qua.

Tuy nhiên, dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng và dữ liệu xuất khẩu yếu của Trung Quốc đã gây áp lực lên thị trường.

Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cao cấp tại U.S. Bank Asset Management cho hay: “Khi chúng ta tiến sâu hơn vào mùa du lịch hè ở Bắc bán cầu, nhu cầu sẽ là yếu tố chính quyết định liệu lượng hàng tồn kho hạn chế có phải đẩy giá dầu cao hơn hay nhu cầu yếu dẫn đến giá thấp hơn hay không.”

Chỉ số sản xuất trong tháng 5 của Trung Quốc đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 7 năm và nhanh hơn dự báo, do nhu cầu sụt giảm đè nặng lên lĩnh vực sản xuất đang đình trệ và tạo ra một đám mây che phủ triển vọng phục hồi kinh tế mong manh.

Một số nhà phân tích kỳ vọng giá dầu sẽ tăng nếu Fed tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 13 - 14/6. Các nhà phân tích cho biết quyết định của Fed cũng có thể ảnh hưởng đến động thái tiếp theo của Saudi Arabia.

Các tin khác