Nhà đầu tư tranh giành cổ phiếu công nghệ
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq tiến 0,95% lên 13.630,61, trong khi S&P 500 cộng 0,37% lên 4.381,89 - cả hai đều đóng cửa gần mức cao nhất trong phiên. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones mất 4,81 điểm, tương đương 0,01%, xuống 33.946,71.
Terry Sandven, Trưởng bộ phận chiến lược về cổ phiếu tại U.S. Bank Wealth Management, cho biết: “Chứng khoáng Mỹ dường như đang ở chế độ tạm nghỉ. Cuộc chiến giằng co giữa phe thị trường “bò” và “gấu” là cân bằng, điều này ngụ ý sự không chắc chắn và biến động gia tăng trong tương lai gần.”
Các nhà đầu tư đã chộp lấy một số cổ phiếu công nghệ lớn đã suy giảm trong tuần này. Cổ phiếu Tesla tăng, mặc dù đã giảm vào đầu phiên, ngay cả sau khi ngân hàng lớn thứ 2 ở Phố Wall trong nhiều ngày đã hạ bậc tín nhiệm đối với cổ phiếu này. Nhà phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley, một nhà đầu cơ giá lên lâu năm của Tesla, đã điều chỉnh xếp hạng của mình vào thứ Năm để cân bằng danh mục. Trong khi đó, cổ phiếu của Amazon vọt hơn 4%. Microsoft tăng 1,8%. Apple đạt mức cao mới mọi thời đại vào cuối phiên, tiến hơn 1%.
Ngoài ra, cổ phiếu của nhà cung cấp Boeing - Spirit AeroSystems đã hạ hơn 9% sau khi công ty ngừng sản xuất tại cơ sở ở Kansas. Điều này diễn ra sau thông báo đình công của công nhân, bắt đầu vào ngày 24/6. Riêng cổ phiếu của Boeing cũng sụt hơn 3%, ảnh hưởng đến chỉ số Dow.
S&P 500 trượt 0,5% vào thứ Tư, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong tháng 6. Chỉ số này hiện giảm 0,6% từ đầu tuần đến nay, trên đà phá vỡ chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp. Điều này xảy ra sau khi chỉ số này đạt mức cao nhất trong hơn một năm vào tuần trước.
Sự sụt giảm hôm thứ Tư diễn ra khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, ông Jerome Powell cho biết nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất để chống lạm phát, dội một gáo nước lạnh vào các nhà đầu tư đã hy vọng ngân hàng trung ương sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt. Fed đã giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp chính sách tuần trước sau 10 lần tăng liên tiếp. Tuy nhiên, các quan chức chỉ ra rằng có thể có thêm 2 lần tăng nữa trong năm nay.
Lãi suất tăng vượt trội kìm hãm giá dầu
Khép phiên, giá dầu Brent giảm 2,98 USD, tương đương 3,9%, xuống 74,14 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Hoa Kỳ lùi 3,02 USD, tương đương 4,2%, ở mức 69,51 USD.
Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm so với dự kiến để chống lại tình trạng lạm phát dai dẳng. Đây là lần tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp của ngân hàng trung ương này.
Lãi suất cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Góp phần vào tâm lý thận trọng trên thị trường, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất 25 điểm cơ bản mỗi lần vào cuối năm nay là “một dự đoán khá tốt”.
Về nguồn cung, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,8 triệu thùng trong tuần trước xuống 463,3 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn so với kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là tăng 300.000 thùng.
Dự trữ xăng của Mỹ tăng khoảng 480.000 thùng trong tuần lên 221,4 triệu thùng, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, cao hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters về mức tăng 100.000 thùng.
Các kho dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, tăng khoảng 430.000 thùng trong tuần lên 114,3 triệu thùng, so với kỳ vọng tăng 700.000 thùng, dữ liệu EIA cho thấy.
“Với sự sụt giảm của dầu thô và lượng hàng tồn kho sản phẩm tinh chế tăng rất khiêm tốn, tôi đã nghĩ rằng chúng ta sẽ nhận được phản ứng tốt hơn từ thị trường, nhưng thị trường dầu thô và sản phẩm tinh chế chỉ đơn giản là bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn,” Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates ở Houston cho biết.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ dữ liệu hoạt động của nhà máy Trung Quốc vào tuần tới, điều này có thể cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.
Một giám đốc điều hành tại nhà sản xuất đá phiến của Mỹ EOG Resources cho biết giá dầu có thể tăng do sản lượng dầu của Mỹ tăng nhẹ và việc cắt giảm của các nhà sản xuất OPEC+ sẽ hạn chế nguồn cung trong những tháng tới.