S&P 500 nhuộm đỏ 2 tuần liền; Giá dầu tiếp đà tăng giá tuần thứ 3 liên tiếp

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào thứ Sáu (15/9), khi nhà đầu tư kết thúc một tuần đầy biến động trước khi diễn ra cuộc họp chính sách của Fed. Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng và ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
S&P 500 nhuộm đỏ 2 tuần liền; Giá dầu tiếp đà tăng giá tuần thứ 3 liên tiếp

Dow Jones lao dốc gần 300 điểm

Kết phiên, chỉ số Dow Jones trượt dài 288.87 điểm, tương đương 0.83%, xuống 34,618.24 điểm. Tại mức đáy trong phiên, chỉ số này đã xoá sạch hoàn toàn mức tăng 332 điểm ghi nhận vào thứ Năm. Chỉ số S&P 500 sụt 1.22% xuống 4,450.32 điểm. Trong khi Nasdaq Composite hạ 1.56% còn 13,708.33 điểm.

Dow Jones khép lại một tuần với mức tăng 0.12%. Tuy nhiên, S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp, lần lượt giảm 0.16% và 0.39%.

Công nghệ thông tin là lĩnh vực hoạt động yếu nhất thuộc S&P 500, giảm gần 2%. Cổ phiếu Adobe bốc hơi hơn 4%, một ngày sau khi công ty phần mềm công bố kết quả kinh doanh hàng quý tốt hơn dự báo. Cổ phiếu Arm Holdings rớt 4.2%, một ngày sau khi ra mắt công chúng thành công.

Cổ phiếu General Motors và Stellantis N.V. tăng vào thứ Sáu, trong khi cổ phiếu Ford giảm. Hàng ngàn lao động thành viên của United Auto Workers đã đình công sau khi không đạt được thoả thuận với các nhà sản xuất ô tô vào tối ngày 14/9.

Ngoài ra, cổ phiếu Lennar sụt 2.5%. Công ty xây dựng nhà này đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 vượt kỳ vọng vào tối thứ Năm.

Về mặt kinh tế, cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát trong 1 năm đã giảm xuống 3.1% trong tháng 9, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 01/2021. Ngoài ra, triển vọng lạm phát 5 năm giảm xuống 2.7%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.

Phố Wall đang xem xét một loạt dữ liệu kinh tế trái chiều trước khi Fed đưa ra quyết định chính sách, dự kiến vào ngày 20/9. Ngân hàng trung ương được nhiều kỳ vọng sẽ giữ lãi suất ổn định vào tuần tới, nhưng nhà đầu tư sẽ tìm hiểu sâu hơn về cách các nhà hoạch định chính sách đang suy nghĩ về lạm phát từ đây.

Hồi thứ Năm, chỉ số giá sản xuất PPI tháng 8 cho thấy PPI cốt lõi được kiểm soát vào tháng trước, mặc dù chỉ số PPI chung tăng mạnh hơn dự báo. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 vào hôm thứ Tư cho thấy CPI cốt lõi tăng mạnh hơn một chút so với dự kiến trên cơ sở định kỳ hàng tháng.

Dầu tăng 3 tuần liên tiếp

Khép phiên, dầu Brent cộng 23 xu, tương đương 0.3%, lên 93.93 USD/thùng. Dầu WTI của Hoa Kỳ thêm 61 xu, tương đương 0.7%, lên 90.77 USD/thùng. Cả 2 loại dầu đều dao động ở mức cao nhất trong 10 tháng trong phiên thứ 5 liên tiếp, và tăng vọt 4% trong tuần qua.

Giá dầu cũng hướng đến ghi nhận quý tăng mạnh nhất kể từ cuộc xung đột Nga – Ukraine vào quý 1/2022.

Fiona Cincotta, chuyên gia phân tích tại City Index, cho hay: “Những lo ngại về nguồn cung tiếp tục là động lực chính góp phần thúc đẩy giá dầu kể từ khi Ả-rập Saudi và Nga trong tháng này thông báo gia hạn cắt giảm nguồn cung tổng cộng 1.3 triệu thùng/ngày đến cuối năm nay.”

Dữ liệu doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tốt hơn kỳ vọng của Trung Quốc cũng thúc đẩy giá dầu trong tuần này, với các điều kiện kinh tế của Trung Quốc được coi là rất quan trọng đối với nhu cầu dầu trong thời gian còn lại của năm.

Dữ liệu vào ngày thứ Sáu cho thấy hoạt động lọc dầu tại Trung Quốc vọt gần 20% so với cùng kỳ năm trước khi các nhà sản xuất duy trì công suất hoạt động ở mức cao để tận dụng nhu cầu cao trên toàn cầu đối với các sản phẩm dầu.

Chuyên gia phân tích Peter McNally của Third Bridge cho biết kỳ vọng sản lượng dầu tại Mỹ giảm cũng thúc đẩy giá dầu trong những tuần gần đây.

Vào thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu tại Mỹ tăng 2 giàn trong tuần này lên 515 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2023. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, số giàn khoan dầu đã giảm 84 giàn.

Các tin khác