S&P 500 và Nasdaq đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2022; Dầu tăng 3% sau 2 phiên giảm liền

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào thứ Năm (01/06), sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trần nợ và dự luật này sau đó được chuyển đến Thượng viện thảo luận. Giá dầu ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 2 tuần, trước khi cuộc họp của OPEC+ diễn ra vào ngày 04/06, trong khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật đình chỉ trần nợ của Mỹ đã giúp giảm bớt tác động của việc dự trữ năng lượng gia tăng ở quốc gia này.
S&P 500 và Nasdaq đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2022; Dầu tăng 3% sau 2 phiên giảm liền

Dự luật về trần nợ tiến triển tích cực

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 153.3 điểm, tương đương 0.47%, lên 33,061.57 điểm, bất chấp đà giảm 4.7% của cổ phiếu Salesforce một ngày sau khi công ty này báo cáo kết quả kinh doanh. Chỉ số S&P 500 nhích 0.99% lên 4,221.02 điểm, còn Nasdaq Composite cộng 1.28% lên 13,100.98 điểm. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều khép phiên ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Đạo luật Trách nhiệm Tài chính được thông qua với số phiếu 314 - 117 cho sự ủng hộ của lưỡng đảng vào tối thứ Tư. Lãnh đạo đa số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, cho biết Thượng viện sẽ tiếp tục họp cho đến khi dự luật được gửi đến bàn của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngoài cuộc chiến trần nợ, nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào ngày 13 - 14/06 như một yếu tố khác có khả năng tác động đến thị trường. Chủ tịch Fed khu vực Philadelphia, ông Patrick Harker, cho hay vào thứ Năm rằng ông nghĩ rằng ngân hàng trung ương sắp gần đến điểm có thể ngừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông Harker đã nói vào đầu tuần rằng báo cáo việc làm công bố vào ngày 02/06 có thể thay đổi ảnh hưởng đến cách ông sẽ bỏ phiếu tại cuộc họp sắp tới.

Dữ liệu từ ADP cho thấy khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế trong tháng 5, trong khi số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước thấp hơn so với dự đoán. Thị trường lao động là một lĩnh vực được theo dõi chặt chẽ của nền kinh tế do lo ngại rằng sức mạnh bền vững của nó có thể khiến Fed tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp chính sách vào tháng này.

Ngoài ra, Nasdaq Composite đã tăng gần 1% từ đầu tuần đến nay, hướng đến ghi nhận 6 tuần tăng liên tiếp – đà tăng dài nhất kể từ tháng 01/2020. Chỉ số S&P 500 tiến 0.4%, trong khi Dow Jones hạ 0.1% từ đầu tuần đến nay.

Nhà giao dịch cảnh giác trước cuộc họp của OPEC+

Khép phiên, dầu WTI tăng 2.01 USD, tương đương 3%, lên 70.10 USD/thùng, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 05/05.

Dầu Brent tiến 1.68 USD, tương đương 2.3%, lên 74.65 USD/thùng, cũng ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 17/05.

Cả 2 loại dầu đều phục hồi sau 2 phiên giảm liên tiếp, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật đình chỉ trần nợ. Dự luật sau đó được chuyển đến Thượng viện thảo luận.

Chuyên gia phân tích Stewart Glickman của CFRA Research nhận định: “Thành công của các cuộc đàm phán trần nợ đã xoá sạch rủi ro vỡ nợ, tuy nhiên, triển vọng nhu cầu tổng thể vẫn còn ảm đạm – chẳng hạn như lĩnh vực vận tải đường bộ đang hoạt động kém hiệu quả.”

Trọng tâm của thị trường cũng đã chuyển sang cuộc họp vào ngày 04/06 của OPEC+.

Chuyên gia phân tích Craig Erlam của Oanda cho biết: “Cuộc họp của OPEC+ trong tuần này có thể dẫn đến một chút thận trọng đối với các mức giá thấp, đặc biệt trước lời cảnh báo ‘coi chừng’ của Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út.”

4 nguồn tin từ OPEC+ nói với Reuters rằng liên minh này khó có thể cắt giảm sâu nguồn cung tại cuộc họp vào ngày 04/06, tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn cho rằng đó là điều có thể xảy ra do các chỉ báo nhu cầu từ Trung Quốc và Mỹ đã gây thất vọng trong những tuần gần đây.

Vào thứ Năm, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay dự trữ dầu thô tại Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước, do nhập khẩu tăng vọt và dự trữ chiến lược giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/1983.

Các tin khác