SSI: Hơn 96.000 tỷ đồng tín dụng rút khỏi thị trường trong tháng 2

(ĐTTCO) - Đến cuối tháng 2, tăng trưởng tín dụng đạt 1,82% so với cuối năm 2021, thấp hơn mức 2,74% vào cuối tháng 1, tương đương hơn 96.000 tỷ đồng tín dụng đã rút ra khỏi thị trường.

Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research vừa công bố báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần từ 28/2 đến 4/3, trong đó ghi nhận dữ liệu về tình hình lãi suất liên ngân hàng và dư nợ tín dụng đến cuối tháng 2 năm nay.

Cụ thể, theo dữ liệu từ cuộc họp thường kỳ Chính phủ, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 2 ước đạt 1,82% so với cuối năm 2021. Mức tăng trưởng này đã giảm 0,92 điểm % so với cuối tháng 1 trước đó (2,74%). Điều này đồng nghĩa với việc dư nợ tín dụng đã giảm ròng 96.000 tỷ đồng trong tháng 2.

Đây là mức giảm ròng tín dụng một tháng mạnh nhất trên thị trường trong nhiều năm trở lại đây. Trong tháng 2/2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế cũng sụt giảm so với tháng 1 cùng năm nhưng mức giảm chỉ là 0,1 điểm %.

Theo các chuyên gia phân tích của SSI Research, việc tín dụng giảm ròng trong tháng 2 bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất là, tác động của yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên đán đến hoạt động tín dụng, trong đó, nhu cầu tín dụng thường tăng mạnh trước Tết và giảm dần sau Tết.

Thứ hai, giữa tháng 1 vừa qua, Thông tư 16/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng cũng đã chính thức có hiệu lực. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh phát hành trái trước thời điểm kể trên. Số trái phiếu này sau đó sẽ được phân phối, do đó dẫn đến giảm dư nợ tín dụng tại các nhà băng.

Du no tin dung giam 96.000 ty dong thang 2 anh 1Tăng trưởng tín dụng đã giảm ròng trong tháng 2 vừa qua. Biểu đồ: Quang Thắng.

Du no tin dung giam 96.000 ty dong thang 2 anh 1

Tăng trưởng tín dụng đã giảm ròng trong tháng 2 vừa qua. Biểu đồ:Quang Thắng.

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn duy trì quan điểm NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm nay để đảm bảo mặt bằng lãi suất cho vay và huy động ở mức thấp.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng cả năm dự kiến vào khoảng 14-15%.

Trên thị trường liên ngân hàng, dữ liệu từ cơ quan quản lý tiền tệ cho biết, trong tuần đầu tiên của tháng 3, thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục được cải thiện và NHNN đã bơm 678 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Qua đó, đưa tổng lượng tín phiếu đang lưu hành lên khoảng 1.500 tỷ đồng.

Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm nhiệt, tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021, mức lãi suất này vẫn duy trì ở mức cao.

Tính đến cuối tuần trước, lãi suất liên ngân hàng cho vay qua đêm đóng cửa ở mức 2,37%/năm, giảm 0,11 điểm % so với tuần trước. Kỳ hạn 1 tuần đóng cửa ở 2,4%/năm, cũng thấp hơn 0,12 điểm %. Các kỳ hạn dài hơn gần như không có nhiều thay đổi, dao động từ 2,42%/năm đến 2,64%/năm và đường cong lãi suất đã quay trở lại bình thường.

Các chuyên gia tại Ssi Research dự báo trong tháng 3 này, áp lực thanh khoản nhiều khả năng sẽ quay trở lại do bước vào giai đoạn cuối quý kinh doanh đầu năm. Điều này sẽ khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng khó giảm thêm.

Các tin khác