Dự báo, các quỹ đầu tư tiếp tục đổ vốn vào startup Việt, và có thể đạt mức ấn tượng hơn 2 tỷ USD trong năm 2022.
Startup Telio - nền tảng thương mại điện tử B2B của Việt Nam được đầu tư 22,5 triệu USD
Làn sóng đầu tư mới
Qua 4 tháng đầu năm 2022, hàng trăm triệu USD của nhiều quỹ đầu tư đã được công bố đầu tư vào các startup Việt Nam. Mới nhất, trong tháng 4-2022, startup Dat Bike (chuyên về xe máy điện thông minh của Việt Nam) gọi vốn thành công 5,3 triệu USD từ quỹ Jungle Ventures. Startup này sử dụng khoản đầu tư vào phát triển công nghệ, quy mô sản xuất, mở rộng thị trường ra các thành phố lớn với mục tiêu chuyển đổi 250 triệu xe máy chạy xăng sang điện.
Trước đó, nhiều quỹ đầu tư đã công bố đầu tư vào các startup Việt Nam, tạo ra một “làn sóng” mới, như: ứng dụng thương mại điện tử Rino vừa huy động thành công 3 triệu USD; startup Infina huy động thành công thêm 4 triệu USD tại vòng gọi vốn hạt giống; startup OpenCommerce Group huy động 7 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A…
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ KH-ĐT) vừa công bố mới đây cho thấy, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp KNĐMST đạt mức 1,4 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam có trên 200 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong số đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa. Tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng 60%. Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, thanh toán và thương mại điện tử vẫn là 2 lĩnh vực đứng đầu trong việc thu hút vốn đầu tư. Ngành trò chơi trực tuyến liên quan đến game blockchain cũng đã vươn lên vị trí thứ 3 trong số các ngành được đầu tư nhiều nhất nhờ vào sự thành công trên toàn cầu của Sky Mavis cùng sản phẩm Axie Infinity.
Bà Quỳnh Võ, Giám đốc Phát triển Zone Startups Việt Nam, chia sẻ: “Dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào startup Việt sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, nhưng sẽ có sự phân hóa. Nhà đầu tư đã thận trọng hơn. Tuy nhiên, khi các startup chứng minh được khả năng thu hút người dùng lớn như MoMo, Tiki… thì tiền đầu tư đổ vào các startup sẽ ngày càng nhiều hơn”.
Ngoài ra, theo bà Quỳnh Võ, trong năm 2022, sẽ có một “làn sóng” các thế hệ nhà sáng lập từ những năm trước quay trở lại khởi nghiệp một công ty mới. Những nhà sáng lập này vốn đã tích lũy nhiều kinh nghiệm về triển khai một công ty startup, tập hợp đội ngũ nhanh nên sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động này mạnh hơn.
Tạo nguồn hàng phong phú
TPHCM là thành phố có lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đông đảo, hệ thống hơn 70 trường đại học trên địa bàn, nên đây được xem là một thành phố tiềm năng cho hoạt động KNĐMST.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (SIHUB), cho biết: “TPHCM vào tốp 100 hệ sinh thái KNĐMST mới nổi trên thế giới, từ đó sự quan tâm của các nhà đầu tư thế giới đến hoạt động KNĐMST của thành phố tăng lên rất nhiều. TPHCM chiếm khoảng 50% tổng số lượng startup và khoảng 70% lượng gọi vốn của cả nước, thị trường TPHCM đã thu hút lượng lớn các đầu tư, quỹ đầu tư”.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, để tiếp tục phát triển hoạt động KNĐMST, giai đoạn tiếp theo của hệ sinh thái KNĐMST TPHCM là đi vào chiều sâu với những chương trình, hoạt động trên cơ sở đánh giá, phân loại từng nhóm khác nhau: startup “kỳ lân”, startup triển vọng, doanh nghiệp nhỏ và vừa… nhằm tạo ra nguồn hàng phong phú cho các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế của TPHCM.
Báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures cũng đưa ra những nhận định rất tích cực khi khẳng định bằng việc thu hút vốn đầu tư vào startup Việt đạt hơn 1,3 tỷ USD trong năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 trong hệ sinh thái khởi nghiệp ASEAN. Dự báo năm nay, các quỹ đầu tư đổ vốn vào startup Việt có thể đạt hơn 2 tỷ USD.
Tin tưởng startup tiếp tục “hút” vốn đầu tư, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), nhấn mạnh: “NIC sẽ nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách vượt trội, khung pháp lý thử nghiệm nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước, đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Chúng ta có thể tin rằng, năm 2022 sẽ là năm hệ sinh thái KNĐMST Việt Nam có những bước phát triển đột phá, mở ra nhiều cơ hội cho giai đoạn phát triển tiếp theo của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và nền kinh tế số Việt Nam”.
Kết nối đầu tư cho các startup Sở KH-CN TPHCM vừa phối hợp với Công ty CP Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM) và Trung tâm Ươm tạo Victory tổ chức Chương trình Kết nối đầu tư cho các startup với sự tham gia của 31 startup thuộc Chương trình Hỗ trợ phát triển và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (SPEEDUP) và một số startup đang trong giai đoạn ươm tạo và tăng tốc. Chương trình SPEEDUP đã được Sở KH-CN TPHCM triển khai từ năm 2017. Đến nay, nhiều startup đã dần đạt được nhiều mục tiêu, như: thành lập doanh nghiệp; xác lập mô hình kinh doanh phù hợp; có thị trường và khách hàng; có sản phẩm đầu ra hoàn chỉnh để gọi vốn. Do đó, chương trình SPEEDUP là cơ hội để startup giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nhằm tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn phát triển mới của dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cũng góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng. Chương trình lần này không chỉ mang đến cơ hội để startup tham gia gọi vốn cho giai đoạn tiếp theo, mà còn là dịp để Sở KH-CN TPHCM ghi nhận ý kiến của nhiều bên như quỹ đầu tư, cơ sở ươm tạo, từ đó đánh giá lại chất lượng cũng như sự phát triển của startup trong thời gian qua. BÁ TÂN |