NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) là một trong những ngân hàng có thế mạnh trong hoạt động bán lẻ và tình hình tài chính tương đối lành mạnh. Thế nhưng, cùng với những xáo trộn trong sở hữu và việc sáp nhập NHTMCP Phương Nam (PNB) khiến cho STB phải chật vật xử lý nợ xấu của PNB.
Pha loãng CP
STB đã chính thức sáp nhập với PNB vào ngày 1-10 vừa qua. Theo nghị quyết tại ĐHCĐ bất thường được tổ chức vào tháng 7-2015, để thực hiện việc sáp nhập PNB, STB sẽ trả cổ tức và chia thưởng bằng CP cho cổ đông hiện hữu trong tháng 10-2015. Theo đó, vốn điều lệ sẽ được tăng lên 18.853 tỷ đồng.
Tỷ lệ hoán đổi theo công bố là 1:0,75. Một cổ phần của PNB được đổi lấy 0,75 cổ phần NH sau sáp nhập và 1 cổ phần của cổ đông STB trước sáp nhập sẽ được nhận thêm 0,3875 cổ phần NH sau sáp nhập. Vì vậy, tỷ lệ chuyển đổi thực tế sẽ là 1:0,54.
Theo thông tin từ STB, NH này đang làm việc với một số đối tác để tìm NĐT chiến lược phù hợp. Tuy nhiên, theo VCBS, với áp lực từ việc đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR), việc phát hành CP cho cổ đông chến lược có thể thực hiện vào nửa cuối năm 2016, thời điểm STB đã ổn định hệ thống sau sáp nhập. |
Để thực hiện việc sáp nhập này, STB sẽ phải phát hành thêm hơn 642,7 triệu CP. Cụ thể, STB sẽ phải phát phát hành 14,25 triệu CP kết hợp với 100 triệu CP quỹ để thưởng CP cho cổ đông với tỷ lệ 10% trên vốn điều lệ; phát hành 228,5 triệu CP để trả cổ tức năm 2013 (tỷ lệ 8% trên vốn điều lệ đã trừ CP quỹ) và năm 2014 (tỷ lệ 12% trên vốn điều lệ đã trừ CP quỹ); phát hành 400 triệu CP để sáp nhập PNS vào STB (ngày chốt danh sách là 20-10).
Tuy nhiên, việc phát hành một lượng CP khủng này khiến giới đầu tư lo ngại về nguy cơ pha loãng CP STB khi số CP phát hành thêm này chính thức được giao dịch.
Trong khi đó, thực tế việc việc trả cổ tức và chia thưởng bằng CP như thế này chỉ làm cho vốn điều lệ của STB tăng một cách kỹ thuật trong khi vốn tự có không thay đổi.
Bào mòn lợi nhuận
Trên thực tế, yếu tố pha loãng CP chỉ là yếu tố nhỏ, bởi STB sẽ chịu thiệt lớn hơn trong việc sáp nhập với PNB đó chính là khoản nợ xấu do PNB để lại. PNB là NHTM có quy mô vừa với vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng và tổng tài sản cuối năm 2014 là 82.049 tỷ đồng.
PNB có tỷ lệ cấp tín dụng trên huy động (LDR) thấp, chỉ đạt 56% năm 2014. Nguồn thu nhập chính của PNB là từ hoạt động mua bán CK, hoạt động tín dụng sinh lãi không đáng kể do LDR quá thấp khiến tỷ lệ lãi cận biên (NIM) giảm sâu (âm 0,3%).
Thêm vào đó, PNB có chi phí hoạt động cao khiến cho tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) năm 2014 lên đến 78%. Lợi nhuận trước thuế của của PNB giảm dần qua các năm (năm 2014 chỉ đạt 17 tỷ đồng). Điểm đáng chú ý là chất lượng tài sản của PNB suy giảm dần trong giai đoạn 2011-2014 do con số nợ xấu không ngừng tăng cao.
Theo phân tích của CTCK Vietcombank (VCBS), quy mô nợ xấu thực tế của PNB lớn hơn nhiều so với nợ xấu được báo cáo và có xu hướng gia tăng qua từng năm. Nếu phân loại lại tài sản của PNB có đến 80% các khoản mục tài sản có nghi ngờ nợ xấu như: các khoản phải thu, tải sản cấn trừ nợ đã chuyển quyền sở hữu chờ xử lý.
Theo đó, số nợ xấu thực tế của PNB vào thời điểm cuối năm 2014 là 18.058 tỷ đồng, bao gồm 2.533 tỷ đồng nợ xấu đã báo cáo, 2.059 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC và 10.756 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm (theo cách phân loại của VCBS). Như vậy, tỷ lệ nợ xấu sau sáp nhập của STB ước tăng lên 2,3%, nhưng nếu phân loại theo VCBS nợ xấu thực tế lên đến 7,42%.
Với tỷ lệ này, STB sẽ bị đưa vào diện tái cơ cấu của NHNN. Tuy nhiên, với việc VAMC hạn chế mua nợ xấu từ cuối năm 2015 và bắt đầu tập trung xử lý nợ xấu từ năm 2016, STB sẽ phải tăng cường trích lập dự phòng để xóa nợ xấu và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3%.
Không chỉ có tỷ lệ nợ xấu cao, PNB còn có nhiều khoản mục nợ xấu tiềm tàng trên BCTC với quy mô lớn. Có thể kể đến các khoản mục như: phải thu cấn trừ nợ vay (chiếm 8,3% tổng tài sản), phải thu CK (chiếm 6,5% tổng tài sản), lãi và phí phải thu (chiếm 19,44% tổng tài sản), nợ được tái cơ cấu (chiếm 8,2% tổng tài sản).
Theo nhận định của VCBS, STB có thể sẽ mất tới 4 năm để giải quyết khoản nợ xấu so với lợi ích chưa mấy rõ ràng từ việc mở rộng mạng lưới và quy mô tài sản. Đặc biệt, lợi nhuận của STB sẽ bị bào mòn đáng kể trong năm 2015-2016 do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh.
Và cho dù có những dự báo tăng trưởng cao sau đó, nhưng ít nhất phải đến năm 2019 lợi nhuận trước thuế của STB mới có khả năng hồi phục về mức của năm 2014. Bù lại, với lợi thế về quy mô có được từ sự sáp nhập và lợi thế sẵn có trong hoạt động ngân hàng bán lẻ, nếu tái cơ cấu thành công STB sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng với chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lời cao từ năm 2019 trở đi.