Khu K1 Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, là nơi điều trị các thai phụ mắc Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG
1. Kíp trực đang chuẩn bị mọi việc để chuyển viện cho một thai phụ, băng ca chuyển viện, bình oxy và các thiết bị y tế đã sẵn sàng… “7 giờ sáng, tôi đến giường chị, bắt đầu công việc như thường ngày, tôi chuẩn bị hút đàm cho bệnh nhân thì chỉ số SpO2 tụt quá thấp, ở đây 90% là báo động đỏ rồi, bệnh nhân này chỉ còn 80% hoặc hơn một chút, vậy là báo động đỏ, cấp cứu liên tục từ đó tới giờ”, điều dưỡng Trần Thị Bích Ngọc (Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương) kể.
Lần báo động đỏ thứ 3, toàn bộ ê kíp y bác sĩ cấp cứu liên tục vì bệnh nhân ngưng tim, đã có lúc chúng tôi không dám nhìn thẳng vào bên trong, áp lực trên đôi vai các y bác sĩ lúc này quá lớn… Ai vào việc nấy, hơn 6 phút trôi qua, bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại, oxy cũng ổn định hơn, đã có thể chuyển viện được. Băng ca đẩy bệnh nhân từ từ di chuyển ra khỏi phòng cấp cứu, toàn bộ ê kíp y bác sĩ đi cùng để tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân trên đường chuyển viện.
Gần 11 giờ, băng ca đẩy bệnh nhân khuất hẳn vào thang máy, điều dưỡng Bích Ngọc mới yên tâm dựa vào tường thở dồn dập: “Sáng giờ, cứ cấp cứu liên tục vậy đó. Tính chuyển viện mà lúc thì bệnh nhân ngưng tim, lúc thì oxy tụt quá thấp, cả ê kíp cấp cứu cứ liên tục… Cho em thở chút rồi nói nha”.
Ở lại và phụ trách phần dọn dẹp khu vực giường bệnh nhân đã chuyển đi, chị kể: “Sau mấy lần cấp cứu thì chị này đã ổn để chuyển viện được. Có những ca bệnh nhân chuyển nặng quá nhanh, đủ mọi phương cách nhưng cũng không cứu được, lúc đó lòng mình đau lắm”…
2. Chúng tôi đi ngang qua chỗ sản phụ Thạch Thị H. (23 tuổi, Sóc Trăng), gương mặt khá tươi tỉnh, H. níu tay chúng tôi hỏi dồn: “Bác ơi, bác sĩ ơi, con em sao rồi, hơn 10 ngày em không thấy con…”.
Sản phụ H. nhập viện ngày 25-8 sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, vẫn còn khỏe. Nhưng 3 ngày sau, chị khó thở nên được cho thở oxy, song SpO2 vẫn không lên, cứ ở mức 83%. Khi ấy chị có dấu hiệu sắp sinh và phải chụp mặt nạ trợ thở trong suốt ca mổ. Mọi người đều nín thở khi đường dao đầu tiên rạch xuống. Em bé của sản phụ H. là con đầu lòng, to khỏe. Bác sĩ phải sử dụng thêm panh mới đưa được bé trai ra ngoài. May mắn tiếp theo là bé âm tính với Covid-19. Không thể da kề da với mẹ do chị H. đang mắc Covid-19, bé được cô hộ sinh đưa lại gần cho mẹ nhìn thấy trong chốc lát ở khoảng cách theo quy định, sau đó được chuyển sang khoa nhi chăm sóc.
Chị H. kể: “Lúc nghe tiếng khóc của con vang lên, rồi được nhìn thấy con khỏe mạnh, nước mắt tôi cứ vậy trào ra. Sau 9 ngày, cận kề cửa tử, tôi tỉnh hẳn. Đưa mắt nhìn xung quanh toàn máy móc, dây nhợ gắn khắp người, tôi mới hiểu tình trạng mình nặng thế nào. Khi ấy, việc đầu tiên tôi làm là mượn điện thoại của điều dưỡng để gọi nhìn mặt chồng. Hôm nay tôi được tháo hết mọi “phụ kiện” và thấy sức khỏe tốt hơn rất nhiều, giờ chỉ mong được gặp con để trở về đoàn viên với gia đình”.
3. Trong phòng dành cho sản phụ F0 không triệu chứng, mỗi người phải gắn với chiếc bình oxy, có người phải gắn thêm bong bóng. Phòng bệnh nặng, mỗi người gắn chặt vào chiếc máy thở xâm lấn, monitor theo dõi chớp nháy, báo động liên hồi. Sơ Nguyễn Thu Tuyết - một tình nguyện viên, kiên nhẫn đến từng giường bệnh kiểm tra kỹ lưỡng các di biến động trên thiết bị y tế gắn đầy trên người những sản phụ đang hôn mê, rồi về nhanh phòng sinh, phụ giúp đồng nghiệp hộ sinh vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ cho các bé sơ sinh mới chào đời.
Trong những tháng ngày qua, bác sĩ CK1 Nguyễn Châu Khiêm cùng các đồng nghiệp của mình đã thực hiện thành công hàng trăm ca từ mổ đến sinh thường cho các sản phụ mắc Covid-19. Công việc rất vất vả, nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực, nhưng anh và đồng nghiệp luôn vững tâm nơi “đầu sóng ngọn gió”. “Số bệnh nhân quá tải, trong khi lực lượng ngoài đảm trách tại bệnh viện còn phải chia ra các bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị Covid-19, do đó năng suất làm việc của chúng tôi tại đây không phải là 100% mà có khi vượt 200%-300%. Bởi chúng tôi vừa lo cho sản phụ và thai nhi, rồi phải theo dõi các triệu chứng của Covid-19, tần suất tiếp cận thai phụ hơn người bình thường rất nhiều”, bác sĩ Nguyễn Châu Khiêm trải lòng.
4. Nhẹ hơn tầng 1, tầng 2 khu K1, là những thai phụ sức khỏe ổn định, có người đang điều trị, có người vừa điều trị vừa chờ ngày sinh con.
Bệnh viện Hùng Vương trưng dụng tòa nhà Cát Tường làm nơi đón các sản phụ F0 như gửi đến các bà mẹ, em bé lời cầu nguyện may mắn ngay từ phút đầu tiên nhập viện. Rất khác với hình ảnh của những khoa phụ sản thông thường với người thân đi theo hỗ trợ, động viên sản phụ lúc chuẩn bị chờ sinh…, nơi đây chỉ có các sản phụ một mình với cuộc vật lộn sinh - tử để giữ lấy nhịp thở, một mình với cuộc vượt cạn đầy khó nhọc.
Vừa trò chuyện, thỉnh thoảng lại lấy tay xoa xoa bụng, chị B.H. (ngụ quận 11) kể: “Tôi vô đây cũng hơn 5 ngày rồi, sức khỏe bây giờ khỏe re hà, đang chờ cơm trưa nè. Bác sĩ, y tá dặn dò, theo dõi kỹ lắm, nên cũng an tâm rồi không sợ, mọi người dặn ráng ăn, ráng uống, tập hít thở đều đặn để nhanh khỏi bệnh”. Chúng tôi rời đi, chị bầu B.H. bắt đầu ăn trưa, những dãy phòng cạnh phòng chị, các chị bầu khác người ăn cơm, ăn cháo tùy ý, được các nhân viên y tế mang đến tận giường. Có lẽ ở tầng này, là phút hiếm hoi nhẹ nhõm cho đội ngũ y tế điều trị và chăm sóc thai phụ, sản phụ mắc Covid-19 ở Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, bởi gánh nặng của họ luôn gấp đôi, vì lúc nào cũng phải cố gắng để “mẹ tròn con vuông”.
5. “Đàn bà đi biển mồ côi một mình”, thiên chức làm mẹ trong mùa dịch còn gian nan bội phần, việc giữ lấy hơi thở đâu chỉ cho mình mà cho cả đứa con sắp chào đời, nhưng mắc Covid-19, giữ được nhịp thở ổn định đâu phải dễ.
Khu K1 Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, thở mask, thở HFNC, thở máy… trường hợp nào cũng có bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ nơi này luôn sẵn sàng như những chiến binh để giành lấy từng hơi thở cho các thai phụ và cho mầm sống bé nhỏ sắp chào đời. Bệnh nhân khó thở, bệnh nhân chuyển nặng, bệnh nhân tụt oxy, thậm chí là ngưng tim…, ê kíp liên tục từ người này đến người kia, báo động đỏ một ngày không kể xiết.
Tầng 1 - K1 nơi mà chuyện sinh tử gần như cách nhau chỉ trong một hơi thở, chiếc băng ca đẩy thai phụ lúc nãy chuyển sang bệnh viện khác, cũng là lúc buồng sinh bên này tiếng khóc trẻ con chào đời. Con của hai sản phụ, bé gái được quấn khăn hồng và bé trai quấn khăn xanh, các con chờ xét nghiệm Covid-19, sau đó sẽ chuyển sang trung tâm H.O.P.E cho các cô bảo mẫu chăm để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Châu Khiêm sau khi kiểm tra lại sức khỏe cho hai bé, chia sẻ, rất may mắn trong ca trực hôm nay của mình, từ sáng tới giờ đã thực hiện thành công hai ca sinh thường do sản phụ bị mắc Covid-19 thể nhẹ, các bé đều khỏe mạnh. Chiều nay, bác sĩ sẽ thực hiện hai ca mổ tiếp theo đã được lên lịch…
Điều kỳ diệu của ngày hôm nay là đã giữ lại những chỉ số sinh tồn ổn định để thai phụ lúc nãy đủ sức chuyển viện. Chúng tôi cầu mong chị thật nhiều may mắn và nghị lực để chiến thắng trong những chặng điều trị tiếp theo. Và tiếng khóc chào đời của hai đứa trẻ lúc này, có lẽ là niềm động viên cho đội ngũ nơi đây. Sau những nỗ lực của họ, mầm sống đã vươn mình từ những ngày “mưa bão” trong cuộc chiến chống dịch này.
“Tôi đi chống dịch cũng yên tâm vì ở nhà có bà ngoại phụ chăm hai đứa nhỏ, mọi người hiểu cho công việc lắm, lúc nào gọi về nhà cũng dặn dò cẩn thận, giữ gìn sức khỏe”, điều dưỡng Trần Thị Bích Ngọc trải lòng. Cũng là một người mẹ của hai đứa con, chị hiểu thế nào là cảm giác nhớ và thương con, có những ngày nhìn bệnh nhân mà chị rơi nước mắt. Chị kể: “Tôi đến bên giường bệnh, có bệnh nhân cầm tay tôi rồi nói: “Chị ơi em nhớ con quá”, “Chị ơi em muốn được gặp con”... Những lúc đó mình cũng rớt nước mắt theo họ. Sản phụ mắc Covid-19 nên bệnh viện điều trị, còn các bé được gửi sang trung tâm H.O.P.E cho các cô bảo mẫu chăm sóc, hoặc được đưa về gia đình nếu còn người thân khác và sức khỏe các con tốt, đủ điều kiện để về nhà thì bệnh viện mới cho các con về. Trong phần việc của mình, tôi ráng chăm sóc thật tốt những bà mẹ ở đây, bởi họ có khỏe thì mầm sống nhỏ bé mới mạnh lành…”. |