Mỏ vàng trong ngành làm đẹp
Làm trắng da được định nghĩa là việc sử dụng mỹ phẩm hoặc dịch vụ để giảm sắc tố hoặc lượng melanin có trong da, làm cho làn da sáng màu hơn. Đây là ngành công nghiệp khổng lồ, chủ yếu hướng đến những người phụ nữ da màu tại mọi nơi trên thế giới, sinh lợi nhuận nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo CNN.
Tính đến hết năm 2020, thị trường sản phẩm làm trắng da trên toàn cầu đã đạt đến 8,6 tỷ USD, theo số liệu của Global Industry Analysts Inc.’s StrategyR. Trong đó, thị trường châu Á chiếm hơn một nửa tổng giá trị, khoảng 7,5 tỷ USD. Xét riêng khu vực châu Á, Trung Quốc chiếm 40% tổng doanh thu, Nhật Bản chiếm 21% và Hàn Quốc chiếm 18%. Ngành công nghiệp làm trắng da được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian sắp tới, đạt 12,3 tỷ USD vào năm 2027.
Ở Trung Quốc, một làn da trắng và được trang điểm kỹ lưỡng được xem là tiêu chuẩn của cái đẹp. Theo Eco Warrior Princess, khoảng 30% thu nhập của phụ nữ được chi cho các sản phẩm làm trắng da khác nhau, biến tông da vàng trở nên trắng sáng hơn. Ở Nhật Bản, ngoài các liệu pháp làm trắng da được cung cấp tại nhiều thẩm mỹ viện, ngành công nghiệp giải trí của đất nước này cũng đưa ra vô số dịch vụ, sản phẩm, công cụ giúp người tiêu dùng có thể đạt được một khuôn mặt “lý tưởng”: da trắng, mũi cao và thon, cằm nhỏ…
Ở Hàn Quốc, đất nước được ví như kinh đô phẫu thuật thẩm mỹ trên toàn thế giới, quan niệm về cái đẹp của người dân chịu ảnh hưởng đa phần bởi nền văn hóa K-Pop. Theo Eco Warrior Princess, làm trắng da và phẫu thuật thẩm mỹ được xem là cách để người Hàn Quốc gia tăng sự tự tin, tiếp cận được nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.
Theo CNN, xu hướng làm trắng da đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước với nhiều “nhãn mác” khác nhau: làm sáng da, làm trắng da, tẩy trắng da… Xu hướng này chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố văn hóa tại từng vùng địa phương. Tuy nhiên, nhìn chung, đối với nhiều nền văn hóa, hình ảnh một làn da trắng sáng thường được gắn với khuôn mẫu lý tưởng của cái đẹp, mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp, tình duyên và vị thế xã hội hơn.
Nhiều khảo sát được thực hiện tại Mỹ chỉ ra rằng, người Mỹ gốc Tây Ban Nha có làn da tối màu hơn có khả năng bị phân biệt đối xử cao hơn. Hay tại châu Á, các nhà tiếp thị các sản phẩm chăm sóc da luôn lấy một làn da trắng mịn, căng mướt làm tiêu chuẩn cho cái đẹp.
Những thành phần độc hại
Những thành phần độc hại
Các sản phẩm làm trắng da thường chứa các thành phần độc hại nếu được sử dụng trong thời gian dài và không có hướng dẫn y tế. Chúng không chỉ có khả năng làm tổn thương da mà còn có thể gây ra các bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Các hóa chất được sử dụng để làm trắng da rất đa dạng trên toàn thế giới, và số lượng của chúng ngày một nhiều, bao gồm các chất chống oxy hóa như glutathione, vitamin C và collagen… Hầu hết đều chưa được chứng minh về tính hiệu quả, và thường không an toàn.
Trong số các thành phần phổ biến, có 3 thành phần chiếm phần lớn trong các sản phẩm làm trắng da: steroids, hydroquinone và thủy ngân. Chúng được xem là thành phần có hại, được quản lý chặt chẽ ở hầu hết các quốc gia. Tuy vậy, do được phân phối và bán rộng rãi, chúng có thể được sử dụng sai cách, lâu dài có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Steroid tại chỗ (topical steroids) được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng da khác nhau, bao gồm viêm da cơ địa, eczema, chàm… Tuy nhiên, nếu sử dụng steroid trong thời gian dài để làm trắng da mà không có chỉ dẫn của bác sĩ, có khả năng sẽ xuất hiện các tác dụng phụ: phát ban, mụn mủ, mọc lông trên da và nhiễm trùng da. Việc bán corticosteroids không kê đơn đã bị cấm ở nhiều nơi, bao gồm Mỹ, Anh, Ấn Độ và Hồng Kông.
Hydroquinone được sử dụng để điều trị rối loạn sắc tố da bằng cách giảm lượng melanin có trong da. Tuy nhiên, loại hóa chất này đã bị cấm bán ở Mỹ, Anh, phía Nam châu Phi, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, khối EU… nếu không được kê đơn. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho rằng hydroquinone là chất có thể gây ung thư. Thủy ngân là một thành phần dễ tìm thấy trong các kem dưỡng trắng da và xà phòng làm trắng da trên khắp thế giới, nhờ vào khả năng tẩy trắng của nó.
Muối thủy ngân giúp ức chế sự hình thành melanin, khiến làn da trông trắng sáng hơn. Công ước Minamata năm 2013 về thủy ngân giới hạn mức an toàn của thủy ngân trong mỹ phẩm là 1 ppm (1 mg/kg). Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm các sản phẩm làm trắng da đến từ châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và Bắc Mỹ cho thấy, các sản phẩm này chứa đến 40.000 ppm thủy ngân.
Thị trường quảng cáo
Những sản phẩm làm trắng da có thể được mua ở khắp mọi nơi: từ các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, phòng khám sức khỏe cao cấp, đến các nền tảng truyền thông, mạng xã hội, thậm chí trực tiếp từ những người xung quanh. Người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm này ở khắp mọi nơi. Tuy vậy, họ vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quảng cáo.
“Khi bạn đi vào một cửa hàng dược mỹ phẩm hoặc cửa hàng tạp hóa, bạn sẽ thực sự vô thức cảm thấy rằng một làn da trắng là điều mà bạn đang cần, bởi vì 95% sản phẩm chăm sóc da được gắn mác ‘làm trắng da”, và những người mẫu trên bao bì sản phẩm cũng là phụ nữ da trắng” - Trish Terrado, nhà sản xuất nội dung trên các nền tảng mạng xã hội ở Phillipines, cho hay.
Tập đoàn Johnson & Johnson đã đồng ý ngừng bán sản phẩm làm trắng da Neutrogena Fine Fairness ở thị trường ở châu Á và Trung Đông, cũng như rút sản phẩm Clean & Clear Fairness khỏi các kệ hàng ở Ấn Độ – nơi vốn dĩ là thị trường duy nhất của sản phẩm này. Tuy nhiên, 2 dòng sản phẩm này chỉ chiếm chưa đến 1% doanh số mỹ phẩm làm đẹp toàn cầu của Johnson & Johnson vào năm ngoái, một đại diện của tập đoàn cho biết.
L’Oreal và Unilever nói rằng họ sẽ xóa bỏ những từ “trắng”, “sáng” khỏi bao bì của các sản phẩm chăm sóc da, nhưng những sản phẩm này vẫn được bán rộng rãi trên các website của bên thứ ba. Unilever cho biết: “Chúng tôi đã có tiến bộ trong việc cập nhật bao bì sản phẩm và truyền thông, mặc dù chặng đường này sẽ còn dài. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phát triển các quảng cáo của mình để có đầy đủ hình ảnh của phụ nữ có các tông màu da khác nhau”.
Việc có một làn da rám nắng cho thấy lối sống lành mạnh, tích cực vận động ngoài trời, và đó là cái nhìn hiện đại hơn về cái đẹp. Pavida Pananond, Giáo sư kinh doanh quốc tế tại Đại học Thammasat ở Bangkok |