Giá trị của thơ giảm
Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn TPHCM), với đặc trưng của mình, TPHCM có tính dung nạp lớn. Cùng lúc có nhiều thế hệ nhà thơ xuất thân khác nhau, như thế hệ trước năm 1975, thế hệ nhà thơ trở về từ chiến khu, thế hệ nhà thơ trong phong trào đấu tranh học sinh - sinh viên, thế hệ nhà thơ từ miền Bắc và miền Trung, thế hệ nhà thơ của lực lượng Thanh niên xung phong, thế hệ nhà thơ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất... Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có một công trình nào để ghi nhận và đánh giá một cách khách quan, đầy đủ nhất về thành tựu thơ TPHCM. Những bài viết trên báo chí chỉ dừng ở mức giới thiệu chứ chưa chạm đến những vấn đề của thơ. “Đã rất lâu rồi, gần 2 thập niên qua chưa có một cuộc tranh luận nào về thơ trên báo chí, truyền thông”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói.
Lực lượng sáng tác thơ tại TPHCM được bổ sung và tiếp nối thường xuyên, tạo ra một dòng chảy văn hóa và tạo ra nhiều khuynh hướng thẩm mỹ. Và đặc biệt, lực lượng nhà thơ trẻ của TPHCM hiện khá hùng hậu, sau thế hệ 7X là sự tiếp nối của thế hệ 8X và 9X với những tên tuổi như Lê Thiếu Nhơn, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Phong Việt, Ngô Thúy Nga, Trần Võ Thành Văn, Đoàn Thị Diễm Thuyên, Tô Minh Yến, Huỳnh Trọng Khang, Trần Đức Tín, Trần Duy Bảo Khang…
Nhà thơ trẻ Trần Đức Tín (bút danh Khét), cho rằng, thơ trẻ thành phố khá sôi động, cập nhật và thay đổi hàng ngày theo sự phát triển của thành phố. Điều này được minh chứng xuyên suốt trong 10 năm trở lại đây, thơ trẻ thành phố luôn vận động và phát triển, liên tục xuất hiện nhiều nhà thơ mới và gây dựng được vị trí của mình trên thi đàn cả nước. Tuy vậy, theo nhà thơ Trần Đức Tín, thơ trẻ đang đối mặt với không ít thách thức, chưa thật sự phát triển đến vị trí tương xứng. “Đã có rất nhiều người trẻ đến với văn chương nhưng cũng nhiều người rời đi, bỏ cuộc. Thách thức của người trẻ là sự lăn xả với văn chương, là sự đánh đổi lưng chừng giữa sự nghiệp, vòng xoáy cơm áo gạo tiền với con chữ. Nó là một quang gánh thật sự không tương xứng, nên người trẻ còn e dè, thiếu tâm huyết”, Trần Đức Tín tâm sự.
Thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng thơ ca hiện nay, TS Hà Thanh Vân cho rằng, danh xưng nhà thơ đang quá dễ dãi, bất cứ ai viết được bài thơ nào cũng có thể tự cho mình là nhà thơ. Đây là nguyên nhân dẫn đến thơ dở tràn lan như hiện nay. “Những bài thơ dở sẽ tác động xấu đến công chúng, nó sẽ kéo lùi thẩm mỹ và thị hiếu thưởng thức văn hóa”, TS Hà Thanh Vân quan ngại.
Lấy lại vị thế
Tại Hội thảo Văn hóa vào cuối năm 2022, nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhắc đến tình trạng bạn đọc quay lưng với thơ văn bởi quá thất vọng vì tràn ngập thơ dở, xã hội “bội thực” các nhà thơ. Theo ông, ở nước ta đang có một thực trạng số lượng nhà thơ tăng vọt, hàng ngàn câu lạc bộ thơ, tuyển tập thơ in ra tới tấp nhưng chủ yếu để mang đi tặng, đến mức ám ảnh bạn đọc.
Ngoài thực trạng như nhà thơ Vũ Quần Phương đã chỉ ra, một vấn đề mà thơ ca đương đại đang đối mặt là sự lấn át của các phương tiện nghe, nhìn hay các ứng dụng, mạng xã hội. Có một thực tế là giới trẻ vẫn còn quan tâm đến thơ nhưng họ không còn đọc thơ theo phương thức truyền thống mà đọc thơ, sinh hoạt thơ ca trên Facebook, Fanpage.
"Ngày thơ Việt Nam là cơ hội để lấy lại vị thế cho thơ. Có điều, 20 năm trôi qua nhưng công chúng vẫn chỉ biết đó là ngày thơ, một dạng lễ hội, đến hẹn lại lên chứ không có tính chất lâu dài, cách tổ chức không có gì mới. Điều quan trọng ở đây, theo tôi, là cần phải có một công trình, có thể là tuyển tập thơ quy mô. Đó mới sự tôn vinh thơ đúng nghĩa. Ngoài ra, cần phải có những công trình lớn, có quy mô, tầm cỡ đề tài cấp bộ, cấp nhà nước để nghiên cứu, nhận định, đánh giá về thơ giai đoạn này"
TS Hà Thanh Vân
Bạn Nguyễn Hoàng Khánh Quỳnh (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) thừa nhận: “Do sự phổ biến của mạng xã hội, người trẻ ít mua những tập thơ về đọc mà chủ yếu đọc trên Facebook, Fanpage. Điển hình như Fanpage “Thìa đầy thơ”, nơi các tác giả đăng tải tác phẩm của mình lên đó rồi độc giả vào đọc, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Ở đó cũng có tổ chức các cuộc thi. Mạng xã hội đang là phương tiện giúp các bạn trẻ tiếp xúc với thơ nhiều hơn”.
Thực tế trên đặt ra cho người làm thơ, giới xuất bản yêu cầu thích nghi và thay đổi để giành lại vị thế cho thơ. Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, thơ nếu muốn tiếp tục tồn tại giữa những trào lưu âm thanh nghe nhìn phát triển, buộc phải đi vào con đường thơ ứng dụng, kết hợp với các loại hình khác như âm nhạc, sân khấu…
“Thơ ứng dụng là chấp nhận đi vào cuộc sống bằng con đường mở rộng độc giả của mình. Thơ phải tìm đến thị trường ngách, thị trường của những tác giả trong cộng đồng nhỏ, từ đó lan rộng dần ra. Thơ không thể đi bằng con đường truyền thống như hiện nay là thông qua sách báo để đến với công chúng. Đây là con đường càng ngày càng hẹp”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói thêm.