Sức sống trường tồn làng rối nước

(ĐTTCO) - Những ngày cuối năm, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, TP Nam Định - một trong những làng rối nước cổ lâu đời ở miền Bắc - tuy không tấp nập như nhiều làng nghề truyền thống khác, song tiếng đục đẽo tạo hình con rối vẫn rộn rã vang trong ngõ xóm.

Nghệ nhân Phan Tiến Hữu, người được giao trông nom kho rối cổ của làng.
Nghệ nhân Phan Tiến Hữu, người được giao trông nom kho rối cổ của làng.

Say mê gìn giữ vốn cổ

Thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) là một trong 3 phường rối nước ra đời sớm nhất miền Bắc, vào năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755). Trải qua bao thăng trầm, các thế hệ nghệ nhân múa rối thôn Bàn Thạch đã đưa rối nước trở thành bộ môn nghệ thuật “đặc sắc” của quê hương.

Ông Phan Văn Khuể, Trưởng ban Văn hóa của thôn, kể trước đây phường rối làng Rạch thường biểu diễn ở ao làng. Buồng trò được làm bằng tre nứa, mành che là vải xanh. Tới năm 1987 làng đã xây dựng được ngôi thủy đình rộng hơn 2.000m2 để thuận tiện cho việc biểu diễn.

Theo thời gian, nghề rối nước làng Rạch có lúc tưởng chừng bị mai một. Nhưng rồi, sức sống mạnh mẽ tiềm ẩn trong môn nghệ thuật lại được những người con làng Rạch “bừng tỉnh”, với nhiều tích trò được phục dựng như chọi trâu, câu cá, đánh đu, tễu rúc ống, bắt vịt, đốt pháo, mở cờ, các nàng tiên ca múa, cô đôi thượng ngàn...

roi-nuoc-2-4635.jpg
roi-nuoc-1-2408.jpg
Kho các nhân vật rối cổ của làng Rạch, xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định.

Đau đáu theo đuổi và gìn giữ vốn cổ của cha ông truyền lại, nghệ nhân Phan Tiến Hữu, Trưởng đoàn rối nước Bàn Thạch, được giao nhiệm vụ trông nom kho rối cổ nằm bên thủy đình. Kho rối lên tới cả ngàn nhân vật nhưng ông Hữu có thể kể tên, nêu tích trò, thậm chí nhớ cả niên đại của từng nhân vật ở trong đó.

Ông cho biết, cứ đến dịp lễ hội, rối ở trong kho lại được đem ra diễn ngoài thủy đình. Con nào hỏng thì sửa, con nào bị mối xông mục hỏng tới mức không sửa được, các cụ sẽ đem vào cẩn báo Thành Hoàng rồi sau đó làm lễ hóa.

Cũng bởi “tính” thiêng ấy, trong mái kho xộc xệch, cũ kỹ vẫn còn những con rối có tuổi đời hàng trăm năm. Màu sơn tuy có bạc, có những chi tiết đã sứt mẻ, bị bào mòn bởi thời gian nhưng những đường nét đục, chạm vẫn vô cùng mềm mại, tinh tế… Các con rối xuống nước cử động, chuyển động mềm mại, mang dấu ấn của những người thợ lành nghề của làng rối thôn Rạch xưa.

roi-nuoc-6-4356.jpg
Anh Phạm Văn Phong- một thợ chế tác rối trẻ của làng nghề rối cổ.

Những con rối được đục đẽo đường nét cách điệu rồi mới gọt giũa, đánh bóng và trang trí nhiều màu sơn nhằm tạo tính cách cho từng nhân vật. Chia sẻ về công đoạn làm rối, nghệ nhân Phan Văn Mạch, người con của gia đình có nhiều đời lưu giữ nghệ thuật này, chia sẻ cần nhiều kỹ năng để tạo ra con trò hoàn hảo, mang khả năng diễn đạt phong phú.

Chế tác nhân vật đã khó nhưng muốn diễn được rối hay cũng phải tôi luyện, phải làm nhiều, tay mới quen. Vì phải diễn trên mặt nước nên không được lộ sào, lộ dây... Những tiết mục múa rối chủ yếu dựa theo những tích truyện dân gian và phải diễn làm sao sống động như thật. Khi nhạc nổi lên, các nhịp của con rối phải thật khớp, không để kẹt dây hoặc các con rối vướng vào nhau…

roi-nuoc-4-5156.jpg
Trải nghiệm chế tác con rối được du khách yêu thích

Nghề múa rối nước rất vất vả song theo nghệ nhân Phan Văn Mạch, một trong những nguyên nhân chính để theo đuổi nghề đến ngày hôm nay là nhờ những tiếng cười của khán giả. Chính nhờ những người con đam mê lưu giữ vốn cổ của làng Rạch, rối nước đã vượt qua khỏi lũy tre làng, được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi trong nước và quốc tế như Nhật Bản, Pháp, Thụy Điển…

Đem sức sống mới đến với làng rối cổ

Khi du lịch phát triển, làng Rạch trở thành điểm dừng chân hấp dẫn du khách đến tìm hiểu về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy hoạt động phục vụ khách du lịch mới bắt đầu được mở rộng vài năm gần đây, nhưng đây là hướng đi tích cực, tạo động lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghề rối nước ở làng Rạch.

Nhờ vậy, ngoài việc bảo tồn nghệ thuật múa rối nước truyền thống trước nguy cơ mai một, người dân làng Rạch hiện đã có thể “sống khỏe” với nghề, thông qua việc chế tác con rối và biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Chị Bùi Thị Nhàn, Công ty Ecohost Hải Hậu, là một trong những người tiên phong đưa du khách trong nước và quốc tế về với làng rối cổ. “Trong các chương trình trải nghiệm văn hóa đồng bằng Bắc bộ tuyến Hà Nội - Nam Định, điểm đến xem múa rối nước làng Rạch luôn được du khách nước ngoài quan tâm, bởi nét nghệ thuật đặc sắc vùng quê, vừa tìm hiểu văn hóa, sinh hoạt đời sống người dân trong vùng. Ngỡ ngàng, thích thú và sau đó là khâm phục… đó là cảm xúc của phần lớn du khách khi đến với làng rối thôn Rạch” - chị Nhàn nói.

Tại đây, không chỉ được tham quan, thưởng thức nghệ thuật biểu diễn rối nước, du khách còn được giới thiệu, trải nghiệm các công đoạn chế tác con rối và mỗi người còn có thể đem một sản phẩm lưu niệm của làng nghề về nhà.

Thôn Rạch hiện có 7 hộ gia công con rối nước. Trước nhu cầu của khách và để thích ứng với đời sống hiện đại, cùng với những con rối cổ truyền, các hộ cũng sáng chế những mẫu mới cung cấp cho thị trường quà lưu niệm.

Anh Phan Văn Triển, 42 tuổi, chủ xưởng chế tác rối nước tại xóm Rạch, nói: “Hiện tại, mỗi tháng gia đình tôi sản xuất được 200 con rối nước theo đơn đặt hàng của khách đủ diễn 18 tích trò. Thu nhập từ nghề chế tác con rối nước cũng từng bước được nâng cao, do ngày càng nhiều người biết đến và yêu thích nghệ thuật múa rối nước”.

Các nghệ nhân làng Rạch cũng không ngừng sáng tác thêm các tích trò mới, sáng tạo các tác phẩm mới, dựa trên nền tảng những câu chuyện cổ tích, để nghệ thuật rối nước có thể tiếp cận gần hơn với giới trẻ. Đây cũng là cách các nghệ nhân làng Rạch tin rằng sẽ giúp những chú Tễu, cô Tiên, ông Bụt… thêm sức sống trường tồn.

Các tin khác