Tôi lặng người khi nghe tin dữ với cảm giác hụt hẫng không gì tả nổi. Ba tôi đã nằm liệt giường từ hơn 4 năm nay sau 1 tháng hôn mê do tai biến và hô hấp bằng máy thở.
Chuyện ba tôi phải ra đi là điều đã được tiên liệu, nhưng còn sống là còn hy vọng và mỗi chuyến đi về Việt Nam công tác hay thăm nhà, tôi có niềm hạnh phúc được thấy ông nằm đó, được chào ông, được hỏi thăm ông.
Mới ngày hôm trước (25 Tết) tôi còn được ôm hôn ông khi tranh thủ về thăm gia đình và được bác sĩ cho biết ông bị nhiễm trùng đường tiểu và huyết áp trồi sụt thất thường. Ba tôi yếu lắm rồi và nhìn ánh mắt mệt mỏi của ông trong chuyến thăm nhà lần cuối, tôi hiểu mình sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho việc ông đi xa. Linh cảm của tôi đã thành sự thật khi tôi chia tay ông để trở lại công việc thường nhật nơi đất khách quê người.
Ba tôi cùng học trò trường Sơ cấp Phong Thoại,
tỉnh Kiến Tường trong thời gian dạy ở học trước khi lên Sài Gòn.
tỉnh Kiến Tường trong thời gian dạy ở học trước khi lên Sài Gòn.
Ba tôi là con trai cả trong một gia đình nông dân đông con huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Năm 1965, ông lên Sài Gòn lập nghiệp sau khi đã có 5 người con. Lúc đầu ở thuê, sau đó nhờ làm nghề giáo ông được cấp mảnh đất cạnh một ngôi trường tiểu học để xây dựng nơi ăn chốn ở, và đây cũng là nơi chứng kiến sự ra đời của 4 thành viên nữa.
Nhưng mãi đến lúc ông mất, tôi mới được chị mình kể về những khó khăn ba tôi đã trải qua khi quyết định rời bỏ quê nhà trong đó lớn nhất vẫn là sự phản đối của ông nội tôi. Những thước phim về cuộc đời của ba tôi đã hiện rõ nét hơn qua những câu chuyện kể của má và anh chị em tôi sau khi ông giã từ trần thế. Và tôi tự trách mình là kẻ vô tâm, bởi có rất nhiều điều thú vị về đấng sinh thành giờ đây tôi mới biết.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một khu lao động nghèo quận Tư. Khu xóm mang tên Lò Bún phía sau nhà tôi là điểm hẹn của giang hồ, trộm cướp và tệ nạn xã hội. Giữa môi trường độc hại như vậy 9 anh chị em tôi không bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu, có lẽ nhờ sự giáo dục nghiêm khắc của ba tôi. Sau năm 1975, lương nhà giáo của ông không đủ nuôi gia đình nên chúng tôi phải nuôi heo, chim cút, cá rô phi, thậm chí mở tiệm tạp hóa tại nhà.
Từ lúc lên lớp 3, tôi đã là thành viên tích cực trong hoạt động kinh tế “mở” đa dạng của gia đình. Nhưng nhờ là con trai út, tôi không phải giữ vai trò cáng đáng như các anh chị lớn và có thời gian để nghĩ đến những hoạt động như sinh hoạt đội thiếu nhi hay văn nghệ quần chúng. Hồi lớp 4 hay lớp 5 gì đó, tự nhiên tôi cảm thấy thích chơi piano và xin ba tôi cho di học đàn.
Ba má tôi trong đám cưới năm 1956.
Dĩ nhiên đó là yêu cầu không thể đáp ứng được bởi muốn học piano nhà phải có đàn, trong khi với hoàn cảnh kinh tế của gia đình tôi lúc đó tiền đâu mua đàn. Nỗi buồn trẻ thơ đã khiến tôi tìm đến với nhạc cụ duy nhất trong nhà là cây đàn mandolin cũ ba tôi thỉnh thoảng chơi.
Nhờ biết chơi đàn, tôi được tham gia đội văn nghệ thiếu nhi của phường, rồi lên cấp quận với những giây phút hứng khởi trong niềm tự hào trẻ trâu dưới ánh đèn sân khấu. Những kỹ năng mà tôi có được có lẽ là nhờ gien cha, bởi ba tôi cũng là người yêu văn nghệ. Tôi nhớ hồi nhỏ buổi chiều tối rảnh rỗi thỉnh thoảng ba tôi cầm đàn mandolin hát và nhiều bài ngay cả đến bây giờ tôi thuộc.
Như bài hát này với lời và giai điệu rất dễ thương: “Tay nắm tay chúng ta bước đều/ Cùng nhịp thêm tiếng đàn nhịp theo tiếng tiêu/ Ta hát vang dưới trăng sáng ngời/ Và cùng nhau ngắm ánh trăng vàng sáng soi/ Vì trăng chiếu đầy ánh ngà trên hồ/ Vì cơn gió làm nước hồ rung đùa/ Dường như theo làn gió reo vi vu/ Ta thấy ta chìm trong trời thu”.
Nhưng tôi chỉ cảm nhận rõ ràng và sâu sắc bài hát nói trên khi nghe ông anh cả của tôi hát sau khi đọc lời truy điệu trước mộ phần của ông. Không rõ tác giả là ai nhưng tôi đoán ba tôi đã biết được nó qua các hoạt động quần chúng thanh thiếu niên sau năm 1945 mà ông đã trực tiếp hay gián tiếp tham gia. Bài hát đó đã theo chân chàng thanh niên Thủ Thừa lên lên Sài Gòn lập nghiệp.
Và tôi tự hỏi phải chăng đó chính là hành trang giúp ông vượt mọi khó khăn gian khổ để thoát khỏi những chật hẹp và luẩn quẩn sau lũy tre làng, nhưng vẫn giữ trọn đạo hiếu, nuôi dạy con cái nên người và ấp ủ những ước mơ thời trai trẻ, vươn tới những lý tưởng cao đẹp vì quê hương và tổ quốc.
Năm 1990, tôi tốt nghiệp đại học vào thời điểm đất nước vừa mở cửa và may mắn được tuyển vào làm tại một ngân hàng đối ngoại quốc doanh hàng đầu lúc bấy giờ. Tôi trở thành niềm tự hào của gia đình và ba tôi đi đâu cũng khoe về cậu con trai út làm nghề ngoại giao ngân hàng. Niềm tự hào đó được nhân lên gấp bội khi đứa con trai của ông được giao trọng trách mang chuông đánh xứ người. Nhưng quyết định chia tay với ngân hàng sau khi kết thúc nhiệm kỳ làm việc đã khiến ba tôi xem tôi như kẻ đào ngũ, bởi lẽ đối với ông chỉ có làm cho đơn vị quốc doanh hay nhà nước thì mới là đóng góp cho đất nước.
Số phận đẩy đưa đã khiến tôi trở thành doanh nhân - nhà giáo bất đắc dĩ. Những tháng ngày cô đơn tự thân lập nghiệp nơi đất khách quê người đã giúp tôi hiểu hơn về ba tôi, với những lắng đọng và chiêm nghiệm về điều ông đã dạy như ý thức tự lực, luôn làm điều tốt và giúp đỡ người khác trong khả năng có thể.
Ba tôi chính là động lực cho tôi cầm viết. Ông không phải là doanh nhân hay nhà kinh tế nhưng là độc giả thường xuyên đọc các bài viết của tôi. Và có lẽ điều đó làm hai cha con “hòa giải” với nhau bất chấp những góc nhìn hay quan điểm khác biệt về chính trị, tôn giáo hay văn hóa xã hội của những người đàn ông không cùng thế hệ.
Ba tôi đã ra đi nhẹ nhàng không có gì phải tiếc nuối sau khi hoàn thành nghĩa vụ của một người con, một người chồng, một người cha và một công dân trên dải đất hình chữ S. Nỗi đau mất cha dĩ nhiên không có gì bù đắp được nhưng tôi vẫn tin ba tôi vẫn còn đó, luôn ở bên tôi với những kỷ niệm, những bài học làm người, sống sao có ý nghĩa, có ích cho cộng đồng, xã hội, luôn hướng về nguồn cội và những giá trị tốt đẹp vĩnh hằng của đất nước và con người Việt Nam.
Singapore, ngày 6-5-2020
Singapore, ngày 6-5-2020