Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền triển khai thực hiện xuất khẩu gạo; bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, kể cả đến hết năm nay; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4. Căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh, Thủ tướng sẽ xem xét quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Việc Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương về việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4, ngay lập tức được nông dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo ở vùng ĐBSCL phấn khởi đón nhận, tạo tác động tích cực đến thị trường.
Thu hoạch lúa Đông Xuân đợt cuối, anh Châu Tuấn (ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) rất vui vì trúng mùa, được giá. Năng suất đat mức cao nhất trong 3 - 4 năm gần đây và giá lúa cũng ổn định ở mức cao. Đặc biệt, việc tiêu thụ khá dễ dàng, thương lái tới tấp nập.
Việc lúa nguyên liệu được tiêu thụ tốt là nhờ thị trường xuất khẩu gạo đã được mở trở lại. Sức mua tăng, thị trường ổn định cộng thêm giá cả tốt đang có lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân. Theo kế hoạch, nước ta sẽ xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020.
Sau đó, Chính phủ sẽ tiếp tục có phương án điều hành xuất khẩu gạo. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, hạn hán, xâm nhập mặn, việc kiểm soát chặt xuất khẩu gạo nhằm mục đích đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người nông dân cũng như doanh nghiệp.