Từ ngày 1-4, Quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ đi vào thực hiện.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán rơi vào giai đoạn hết sức khó khăn và tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của hầu hết các thành viên trên thị trường, các công ty chứng khoán (CTCK) là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề.
Kiểm soát tài chính
Từ đó, hệ thống các CTCK đã bộc lộ ra những sự bất cập về số lượng, chất lượng và khả năng quản trị, kiểm soát rủi ro và mức độ an toàn tài chính.
Do đó Ủy ban Chứng khoán nhà nước khẳng định, việc tái cấu trúc lại các CTCK là đòi hỏi thực tiễn, trong đó đặc biệt là tái cấu trúc về tài chính (vốn chủ sở hữu và vốn khả dụng) cũng như tái cấu trúc về quản trị nhằm nâng cao năng lực tài chính và quản trị rủi ro của các CTCK.
Theo quy định trên, các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 150% tới trên 120% và có lỗ lũy kế từ 30% đến 50% vốn điều lệ sẽ bị đưa vào nhóm thuộc diện kiểm soát, áp dụng yêu cầu thực hiện chế độ báo cáo hàng tuần tới Ủy ban.
Còn đối với các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% , có lỗ lũy kế từ trên 50% vốn điều lệ sẽ thuộc vào nhóm kiểm soát đặc biệt và phải thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày tới Ủy ban.
Tuy nhiên ngoài những biện pháp quản lý chặt chẽ về tài chính trên, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính còn đưa ra đề xuất nên kiểm toán từng quý với tất cả CTCK (kể cả công ty chưa niêm yết) vì hiện nay có một bộ phận CTCK có mức độ chưa trung thực trong việc lập báo cáo tài chính.
“Bởi, mặc dù đã thực hiện kiểm toán soát xét giữa kỳ đối với công ty niêm yết, tuy nhiên một số công ty niêm yết, CTCK vẫn cố tình lập "báo cáo đẹp" vào quý I, quý III dẫn tới sai lệch kết quả kinh doanh sau khi kiểm toán, thậm chí có sự sai lệch lớn về số liệu giữa công ty kiểm toán và công ty niêm yết. Và hoạt động của một bộ phận CTCK không minh bạch sẽ đe dọa an toàn hệ thống cũng như tạo ra rủi ro tài sản của nhà đầu tư” - ông Hải nói.
Cần có chính sách đồng bộ
Mục tiêu tái cấu trúc các CTCK nhằm từng bước thu hẹp số lượng các CTCK, đồng thời tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động CTCK, mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập đã cam kết.
Song trên thực tế, quá trình số lượng các CTCK cũng không hoàn toàn đơn giản, mặc dù mới đây đã xuất hiện một số trường hợp như CTCK SME bị thu hồi chứng nhận thành viên lưu ký cũng như hoàn tất thủ tục chấm dứt tư cách thành viên trên hai Sở.
Các chuyên gia cho rằng, khác với hoạt động tái cấu trúc trong lĩnh vực ngân hàng, việc hợp nhất giữa các các CTCK là khó thực hiện.
Ông Ngô Quang Trung, Phó tổng giám đốc CTCK Hòa Bình đưa ra phân tích cá nhân, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, nên quá trình tự sát nhập của các ngân hàng yếu, vẫn có sự hỗ trợ của ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên thị trường chứng khoán thì khác, tái cấu trúc CTCK sẽ không có sự hỗ trợ nào cả, do đó khó xảy ra xu hướng sát nhập, không ai tự dưng lại đi gánh một ông yếu mà không được lợi gì.
“Trước sức ép của cổ đông, vấn đề giải thể cũng không phải là dễ dàng. Thông thường, các công ty sẽ lựa chọn thu hẹp quy mô kinh doanh trong điều kiện có thể để chờ cơ hội phục hồi của thị trường, thậm chí là chấp nhận chết lâm sàng” - ông Trung nói.
Để tái cấu trúc các CTCK đạt được kết quả như những mục tiêu đề ra, thì quá trình thực hiện không chỉ nhắm riêng vào việc kiểm soát các CTCK mà Chính phủ cần phải xem xét đưa ra những giải pháp đồng bộ đi cùng.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) lý giải, bản chất CTCK không phải là ngân hàng và trên thực tế hầu hết CTCK không chiếm dụng vốn của nhà đầu tư. Trong hoàn cảnh hiện khó khăn như hiện tại nếu công ty nào chiếm dụng vốn của nhà đầu tư thì tự nó cũng đã tự “chết rồi”.
Cái khó của các CTCK là không đáp ứng được nhu cầu vốn cho các nhà đầu tư. Trên thị trường, các nhà đầu tư cá nhân phần lớn đang gặp khó khăn về thanh khoản, họ mong muốn có sự hỗ trợ từ phía các CTCK nên xu hướng các nhà đầu tư sẽ rút dần ra khỏi các CTCK yếu và chuyển đến các công ty có thế mạnh.
“Hơn thế nữa, các CTCK không ảnh hưởng lớn đến thị trường. Bản thân các công ty đang phải nỗ lực nắm bắt khả năng tài chính của mình mà tồn tại. Hiện nay, nhiều CTCK chỉ còn cách cầm cự, rút dần những lĩnh vực kinh doanh và trên cơ sở duy trì để hướng tới các lĩnh vực khác. Nhiều cổ đông cũng chưa muốn rút ra khỏi các CTCK, thời gian qua rõ ràng lợi ích đầu tư đã mất rồi, song họ vẫn muốn duy trì để đợi thời cơ phát triển” - ông Kỳ nói.
Bên cạnh đó ông Kỳ cũng chỉ ra, để các CTCK thực hiện quá trình tái cấu trúc thành công và có hiệu quả, Chính phủ nên hỗ trợ những chính sách, trong đó có cả việc hỗ trợ cho nhà đầu tư trên thị trường, như việc nới tín dụng cho vay với ngành này...
“Nhìn cục diện tổng thể, toàn bộ hoạt động của thị trường chứng khoán sẽ tác động tới nền kinh tế, trong khi sự tăng trưởng của thị trường này không ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát. Hơn nữa các nhà đầu tư tăng cường cho thị trường chứng khoán còn tạo lập cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế phát triển” - ông Kỳ lập luận.