GS. Sumit Agarwal, đến từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết, trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới hiện đang ở châu Á - khu vực sôi động với các hoạt động sản xuất và có nhu cầu lớn về những dịch vụ tài chính như vay, cho vay và đầu tư.
“Các quốc gia đông dân cư như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đang mở cửa và đạt đến mức độ toàn diện về mặt tài chính. Chỉ riêng ở Ấn Độ, 500 triệu tài khoản ngân hàng mới đã được mở trong vài năm qua và điều đó tạo ra một lượng lớn nhà đầu tư tiềm năng” - ông Sumit Agarwal nói.
Theo giới chuyên môn, các nhà đầu tư đều cân nhắc 3 yếu tố quan trọng trước khi quyết định nơi chuyển vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực mới.
Thứ nhất, khả năng kết nối dễ dàng, cho phép công dân và người ngoại quốc chuyển các khoản đầu tư qua lại giữa nhiều trung tâm tài chính khác nhau mà không bị chậm trễ.
Thứ hai, sự ổn định trong chính trị khi có một bộ luật đáng tin cậy và môi trường xã hội ít biến động.
Thứ 3, sự sôi động của nơi sở hữu nền kinh tế mở và có chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp, công ty khởi nghiệp và thúc đẩy cơ hội quốc tế.
Ấn bản Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu của Viện Phát triển Trung Quốc (CDI) và Tổ chức Tư vấn thương mại Z/Yen Partners có trụ sở tại London (Anh), cho thấy Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) nằm trong số 4 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, sau New York và London.
Cũng theo bảng xếp hạng được công bố vào tháng 9-2022, 3 thành phố khác của Trung Quốc, gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, nằm trong tốp 10. Điều này khẳng định xu hướng chuyển hướng sang châu Á.