Tái cơ cấu DNNN: Phải quyết liệt hơn

Trong phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành phải quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu nông nghiệp… theo đúng Nghị quyết của Đảng, Quốc hội…

Trong phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành phải quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu nông nghiệp… theo đúng Nghị quyết của Đảng, Quốc hội…

 

Dễ nhận thấy, việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm cả trên lĩnh vực thể chế, cơ chế chính sách cũng như chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, công tác này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Xây dựng thể chế

Trước hết, để bảo đảm cơ sở pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả công tác này, việc xây dựng thể chế và cơ chế chính sách được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đặc biệt.

Trong quý I, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Cùng với đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN và Nghị định 19/2014 về điều lệ mẫu của công ty TNHH một thành viên do NN làm chủ sở hữu. Người đứng đầu Chính phủ cũng ra Chỉ thị 06/CT-TTg đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN.

Hiện tại, Văn phòng Chính phủ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành một loạt chính sách quan trọng như: Tiêu chí, danh mục phân loại DNNN; tổ chức, quản lý, hoạt động và giám sát đối với Tập đoàn KTNN và Tổng Cty NN; quy chế đánh giá việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu NN đối với DNNN; chế đội giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của DN; quy định sửa đổi, bổ sung về bán, giao DNNN; quy chế công bố thông tin về hoạt động của các công ty TNHH do NN làm chủ sở hữu…

Chỉ đạo quyết liệt hơn 

Bên cạnh việc xây dựng, ban hành thể chế, cơ chế, công tác chỉ đạo thực hiện cũng được triển khai quyết liệt, khẩn trương.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho biết ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị, đồng thời có văn bản yêu cầu các bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các Tổng công ty NN xây dựng phương án cổ phần hóa, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế cũng đã tổ chức họp với các doanh nghiệp NN trực thuộc, bàn biện pháp triển khai sắp xếp, cổ phần hóa theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cũng đã cùng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; LĐTBXH, Nội vụ, Công Thương làm việc với 3 đơn vị cổ phần hóa chậm (Bộ VHTTDL, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và UBND thành phố Hải Phòng) để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp, cổ phần hóa DNNN trực thuộc…

Cuối tháng 3/2014, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng – Trưởng Ban Vũ Văn Ninh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 cũng như chương trình công tác 9 tháng cuối năm.

Thực hiện đạt hiệu quả

Dựa trên những cơ chế, chính sách và chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều đang chỉ đạo các DN thực hiện các bước trong quy trình cổ phần hóa như: Thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa; lựa chọn tư vấn xác định giá trị DN; tổ chức định giá, kiểm toán và công bố giá trị DN; phê duyệt phương án cổ phần hóa; xây dựng kế hoạch cổ phần hóa cụ thể từng DN…

Kết quả cụ thể, trong số 432 DN thuộc diện cổ phần hóa của 2 năm 2014-2015 đã có 146 DN thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa; 24 DN công bố giá trị DN, phê duyệt phương án cổ phần hóa 15 DN; 5 DN tổ chức đại hội cổ đông lần đầu.

Còn nếu tính từ ngày đầu năm (1/1/2014) tới ngày 20/3, cả nước cổ phần hóa được 15 DN, bao gồm 11 Tổng công ty NN; 2 DN độc lập và 2 bộ phận DN. Riêng Bộ GTVT cổ phần hóa 10 Tổng công ty NN.

Bên cạnh việc cổ phần hóa, còn có 14 DN đã thực hiện các hình thức sắp xếp khác. Trong số này, 2 DN chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên; 3 DN giải thể; 1 DN đề nghị phá sản; bán 1 DN; sáp nhập 6 DN và 1 DN chuyển thành đơn vị sự nghiệp.

Một kết quả đáng phấn khởi khác nữa là trong thời gian qua, 13 DN đã thực hiện bán cổ phần lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán (9 Tổng công ty thuộc Bộ GTVT, 4 Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng). Trong điều kiện thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc, việc bán đấu giá đạt kết quả tương đối khả quan.

Tính chung, số cổ phần đăng ký mua đạt 49% khối lượng chào bán. Đặc biệt, có DN có khối lượng đăng ký gấp từ 3-7 khối lượng chào bán; giá đấu thành công bình quân là 12.839 đồng/cổ phần, giá đấu thành công bình quân cao nhất đạt 21.848 đồng/cổ phần; thặng dư thu từ bán cổ phần là 239 tỷ đồng; đã thoái vốn NN đầu tư tại 22 DN với giá trị 354 tỷ đồng.

Những con số nêu trên cho thấy, việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN đang được thực hiện quyết liệt hơn, khẩn trương hơn trên phạm vi cả nước.

Các tin khác