Tái cơ cấu DNNN và nợ công là thách thức

(ĐTTCO) - Báo cáo cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng 5-10 nhận định, kinh tế Việt Nam sôi động trong nửa đầu 2015 nhờ cầu khu vực tư nhân tăng.

(ĐTTCO) - Báo cáo cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng 5-10 nhận định, kinh tế Việt Nam sôi động trong nửa đầu 2015 nhờ cầu khu vực tư nhân tăng.

Quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi tăng trưởng ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ. Cả 2 khu vực này đóng góp gần một nửa tăng trưởng GDP trong 6 tháng. Mức tăng GDP trong 6 tháng đầu đạt 6,3% là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.

WB dự báo, tăng trưởng GDP trong năm 2015 đạt khoảng 6,2%, lạm phát ở mức 1,5%. Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay được dự báo thấp hơn mức tăng bình quân khu vực Đông Á – Thái Bình Dương khoảng 6,5%. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ được cải thiện dần trong 2 năm tới, đạt mức 6,3%, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%, công nghiệp tăng 8,2 – 8,4%, dịch vụ tăng 5,8 – 6%.

Tăng trưởng cao sẽ là động lực để tiếp tục giảm nghèo, tỷ lệ nghèo (mức 3,1 USD/ngày) sẽ giảm xuống mức 7,8% (năm 2016) và 6,7% vào năm 2017.

Báo cáo của WB cũng cho rằng, trong trung hạn kinh tế Việt Nam nhìn chung tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn một số rủi ro tiêu cực. Mặc dù chính sách tiền tệ mở rộng nhưng lạm phát sẽ thấp do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, giá năng lượng và giá lương thực thấp.

Đánh giá về tình hình thu ngân sách của Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, WB cho rằng áp lực tài khóa đang tiếp diễn với thâm hụt ngân sách tính cả trả nợ gốc dự kiến chiếm khoảng 5,6% GDP nửa đầu năm 2015. Điều này cho thấy hiệu quả thu ngân sách kém trong khi chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển tăng.

Tổng nợ công và nợ chính phủ bảo lãnh tiếp tục tăng, đạt mức 59,6% (năm 2014) vẫn nằm trong giới hạn bền vững nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu ăn vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất trong ngân sách.

Tiến độ cổ phần hóa DNNN theo WB đã chậm lại trong năm 2015, hoạt động sáp nhập và mua bán ngân hàng thương mại đã tăng tốc trong nửa đầu năm nhưng nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn là một vấn đề lớn. Thiếu nguồn tài chính, năng lực chuyên môn thấp, chưa có khung pháp lý phù hợp vẫn là những yếu tố cản trở Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) thực hiện giải quyết nợ xấu.

Các tin khác