Tin cho biết, hôm thứ Tư (25/8), Zabihullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban đã đề cập đến vấn đề chơi nhạc nơi công cộng trong một cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên New York Times.
Ông ta nói: “Âm nhạc bị cấm trong đạo Islam. Chúng tôi khuyến cáo người dân không chơi âm nhạc, chứ không phải gây áp lực”. Zabihullah Mujahid được xem là ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Thông tin và Văn hóa của chính phủ Taliban sắp thành lập.
Khi nắm quyền thống trị Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, Taliban đã cấm hầu như tất cả mọi loại âm nhạc, cho rằng đó là một loại tội ác. Trước mắt, chính sách này dường như chỉ có ngoại lệ đối với một số bản nhạc tôn giáo. Từ sau khi Taliban vào Kabul hôm 15/8, các đài phát thanh và truyền hình Afghanistan chỉ phát các bài hát Hồi giáo.
Tờ Newsweek nhận thấy sự thay đổi này, nhưng không rõ liệu sự thay đổi đó là do Taliban ra lệnh hay đài truyền hình đã tự đưa ra quyết định như thế để tránh xung đột với chính quyền mới.
Nhạc viện Quốc gia Afghanistan hiện đã đóng cửa. Các sinh viên, giáo viên và công nhân viên của Nhạc viện đều phải ở nhà. Nhạc viện vốn rộn rã âm thanh, nay chìm trong sự im lặng. Nhà soạn nhạc dân tộc Ahmad Sarmast là người sáng lập và là trưởng khoa của Nhạc viện Quốc gia ở Afghanistan. Ông rất buồn trước thái độ của Taliban đối với âm nhạc.
Từ lâu, hoạt động âm nhạc ở Afghanistan đã là một công việc mạo hiểm. Trong những năm qua, các nhạc sĩ đã bị đe dọa, bắt cóc hoặc giết chết. Giờ đây, những nhà hoạt động âm nhạc một lần nữa phải đối mặt với những lời đe dọa và phải trốn ở nhà, đối mặt với chặng đường đầy gập ghềnh trong tương lai.
Ngay sau khi tin tức cấm âm nhạc nơi công cộng được người phát ngôn Taliban đưa ra, thế giới bên ngoài đã tới tấp phản đối. Người ta lo lắng rằng Afghanistan sẽ quay trở lại một quốc gia bảo thủ hơn 20 năm trước.
Vậy tại sao Taliban lại có định kiến lớn như vậy đối với âm nhạc? Điều này bắt đầu với các thuộc tính riêng của Taliban. Người sáng lập Taliban là Omar, một người Pashtun, bản thân là một linh mục dòng Sunni. Ông ta thành lập Taliban vào năm 1995 và yêu cầu họ tuyệt đối tuân thủ giáo luật. Ví dụ, mọi người được yêu cầu cầu nguyện năm lần một ngày, không được uống rượu, đàn ông không được cạo râu...
Với người ngoài, những quy định này quá khắt khe. Nhưng ở một đất nước nghèo như Afghanistan, các trưởng lão bộ tộc và các giáo sĩ ở nông thôn mới là những người có quyền lên tiếng, họ ủng hộ cách tiếp cận của Taliban.
Điều đáng nói là ngay cái tên “Taliban” còn có nghĩa là “Cử nhân Thần học”. Nói cách khác, Taliban là một tổ chức dựa trên thần học, không khó hiểu tại sao các chính sách của họ lại mang đậm màu sắc thần học. Việc Taliban cấm âm nhạc ở những nơi công cộng không nhằm mục đích giảm thiểu “ô nhiễm tiếng ồn”.
Họ cho rằng say mê âm nhạc là biểu hiện của việc tìm kiếm lạc thú, điều này có thể làm người ta sa đọa và sinh ra “những suy nghĩ không trong sạch”. Taliban cho rằng không nghe nhạc mới có thể trở thành người sùng đạo.
Đặc biệt là khi âm nhạc phương Tây tràn vào Afghanistan, lời ca khúc có nội dung về tình yêu, tiêu dùng và thời trang. Đây là lý do tại sao Taliban muốn cấm mọi người nghe nhạc. Tại một số thành phố do Taliban kiểm soát, đã xảy ra các vụ thu giữ máy thu thanh và tivi. Các cửa hàng không dám mở nhạc để thu hút khách hàng như trước. Thứ âm nhạc duy nhất có thể nghe được có lẽ là giọng ngân nga tụng kinh hàng ngày.
Các nhạc công ở Afghanistan ai trốn được thì trốn, ai chạy được thì chạy. Nữ ca sĩ nổi tiếng nhất Afghanistan, Elena Said, 35 tuổi, đã bỏ trốn khỏi đất nước đến Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức sau khi Kabul thất thủ. Ban nhạc nữ đầu tiên trong lịch sử của Afghanistan, “Burk Bank”, đã bị Taliban truy lùng suốt 18 năm, nhưng may mắn thay, họ đã che mặt bằng những chiếc áo trùm nên không bị nhận ra.
Không chỉ âm nhạc, các ngành giải trí khác như truyền hình, hội họa, hí kịch cũng gặp vận rủi. Một số người thậm chí đã hy sinh mạng sống của mình. Hồi cuối tháng 7, khi Taliban đã tiến công và chiếm được những vùng đất rộng lớn, chúng bắt cóc Khasha Zwan, một diễn viên hài nổi tiếng người Afghanistan.
Zwan không thích Taliban, ông đã châm biếm Taliban bằng những màn biểu diễn trong một số chương trình. Khi Taliban quay trở lại, một số người đã khuyên ông nên trốn đi càng sớm càng tốt, nhưng Zwan không nghe theo. Cuối cùng, Taliban đã đột nhập vào nhà Zwan hôm 22/7, bắt cóc và ông biến mất kể từ đó.
Mãi đến đầu tháng 8, người ta mới tìm thấy xác của Zwan trong một khu rừng. Ông bị treo trên cây, cổ họng bị cắt, trên người có nhiều vết đạn, tay chân bầm giập. Rõ ràng, Taliban đã tra tấn ông tàn bạo. Gia đình Zwan cáo buộc Taliban đã giết ông. Ban đầu, Taliban phủ nhận, nhưng sau đó một video về vụ bắt cóc ông đã được lưu hành khiến họ hết đường chối cãi.