°Đảm bảo cung ứng gạo trong nước
Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ: NN-PTNT, Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt; rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung lúa gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định pháp luật khác có liên quan. Báo cáo phải gửi Thủ tướng trước ngày 28-3.
Trong khi chờ báo cáo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng mới xuất khẩu gạo; đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi nghe đoàn kiểm tra liên ngành báo cáo. Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công thương và các bộ ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua. Thủ tướng Chính phủ giao các bộ: Công thương, NN-PTNT, Tài chính chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng gạo cho nhân dân trong nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Bộ Công thương đã đề xuất với Thủ tướng về việc tạm dừng xuất khẩu gạo. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến kết luận về một số biện pháp để bảo đảm an ninh lương thực, trong đó có việc tạm dừng xuất khẩu gạo từ nay đến hết tháng 5. Tuy nhiên, Bộ Công thương sau đó lại đề nghị Thủ tướng tạm dừng chủ trương cấm xuất khẩu gạo.
Chiều 25-3, Bộ Công thương đã có thông tin chính thức về việc vì sao có những đề xuất lòng vòng như vậy. Theo Bộ Công thương, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu đối với một số chủng loại hàng hóa thiết yếu, trong đó có gạo, đang tăng nhanh trên toàn cầu. Bên cạnh nhu cầu thông thường mà các nước xuất khẩu có thể đáp ứng, đã xuất hiện nhu cầu dự trữ với số lượng lớn khiến cán cân cung - cầu mất cân đối cục bộ, giá cả biến động mạnh, tiềm ẩn khả năng gây ra bất ổn xã hội. Đây là nguyên nhân chính khiến giá lúa, gạo trong nước tăng khoảng 20% - 25% tùy theo chủng loại.
Trong điều kiện xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra hết sức gay gắt, nếu xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng với tốc độ như 2 tháng vừa qua, Việt Nam sẽ đứng trước rủi ro thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước. Để bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, trong đó quan trọng nhất là bảo đảm an ninh lương thực, Bộ Công thương đã đề xuất Thường trực Chính phủ xem xét một số phương án điều hành xuất khẩu gạo tại cuộc họp ngày 23-3. Trong đó có hai phương án gồm: tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo hoặc cũng có thể xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo.
Vẫn theo Bộ Công thương, sau khi thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng được ban hành, Bộ Công thương nhận được ý kiến của các địa phương vùng ĐBSCL và một số thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc cần có sự đánh giá lại về sản lượng thóc, gạo vụ đông xuân năm nay cũng như lượng tồn kho thực tế trong dân và tại các doanh nghiệp. Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng cho phép kiểm tra lại lần nữa lượng tồn kho trong dân, lượng tồn kho trong các doanh nghiệp và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.