Nội dung này được ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN-KCN TPHCM cho biết tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn, tổ chức chiều 24-7.

Cụ thể, TPHCM sẽ thí điểm chuyển đổi mô hình 5 KCN-KCX hiện hữu, gồm: KCX Tân Thuận, KCN Tân Bình, KCN Hiệp Phước, KCN Cát Lái và KCN Bình Chiểu. Các KCN-KCX này sẽ theo hướng công nghệ cao, xanh và thân thiện môi trường, giảm dần các ngành thâm dụng lao động và tài nguyên.
Cùng đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân trong nước, TPHCM và Ban Quản lý các KCX-KCN triển khai các nhóm giải pháp chiến lược khác.
Đó là quy hoạch và phát triển phân khu hỗ trợ trong các KCN mới như KCN Phạm Văn Hai; xây dựng mô hình nhà xưởng cao tầng, phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW và 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, tập trung đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân và công nghiệp hỗ trợ, nhằm tạo nền tảng pháp lý và động lực phát triển bền vững.
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, bao gồm: cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, cải thiện môi trường sản xuất và xem xét gia hạn thời gian hoạt động cho các khu đang chuyển đổi, bảo đảm điều kiện thu hút nhà đầu tư mới.
“Chúng tôi đang hoàn thiện đề án trong tháng 7 này và sẽ trình UBND TPHCM”, ông Trần Việt Hà đề cập.

Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành được TPHCM xác định có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Giai đoạn từ năm 2021 đến nay đã có 211 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 1.532 triệu USD, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng cơ cấu đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các KCN-KCX.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang đối mặt với một số khó khăn như: thiếu mặt bằng sản xuất phù hợp, đặc biệt là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước; khó khăn trong tiếp cận vốn, công nghệ, thị trường và tiêu chuẩn quốc tế, khiến khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế; thiếu các cơ chế ưu đãi mang tính đặc thù cho doanh nghiệp nội địa hoạt động trong các lĩnh vực kỹ thuật cao, công nghệ lõi.