Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2020 đến nay, các mặt hàng nông sản nước ta đã có mặt ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong số này có nhiều nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD như cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra… Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD, tuy nhiên trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt được 15,49 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân sụt giảm được lý giải do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều đơn hàng bị hủy, hoặc chậm giao cho đối tác. Ngoài ra, hàng nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, tiểu ngạch; quy trình nuôi trồng, thu hoạch chưa đạt chuẩn… cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực sẽ hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp nông thủy sản. Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ năm 2019, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020.
Với EVFTA, ngay khi hiệp định có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu cho khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Về phía EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu)…