Tăng cường giám sát DNNN

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đang hoàn thiện dự thảo lần 3 nghị định quy định chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), dự kiến ban hành trong năm nay.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đang hoàn thiện dự thảo lần 3 nghị định quy định chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), dự kiến ban hành trong năm nay.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, những năm qua công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong kế hoạch kinh doanh và đầu tư xây dựng của DNNN đã được chú trọng đẩy mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có nhiều vấn đề khó khăn, chưa đạt hiệu quả.

Chẳng hạn, một số DN thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm tình hình sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng chưa thống nhất về thời điểm, gửi báo cáo không đúng thời hạn hoặc không thường xuyên, nội dung báo cáo còn sơ sài, thiếu thông tin, đã gây khó khăn trong quá trình theo dõi, tổng hợp số liệu.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra thực hiện chiến lược, kế hoạch được giao của DNNN chưa phản ánh được thực trạng tổng thể các vấn đề tồn tại trong DN, chưa đưa ra được dự báo phát triển mang tính chính xác.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dù đã có cơ chế, chính sách và có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý, giám sát nhưng số DNNN lớn làm ăn thua lỗ vẫn cao. Nguyên nhân, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, do có nhiều đầu mối giám sát, nhưng lại không có ai chịu trách nhiệm cụ thể, không có tiêu chí đánh giá chuẩn về hiệu quả quản lý, sử dụng vốn... nên khi xảy ra sự cố không thể truy cứu trách nhiệm cho ai.

Điển hình cho thực trạng quản lý lỏng lẻo dẫn đến hậu quả xấu được nhìn rõ nhất là Vinashin, với các biểu hiện về năng lực quản trị DN và dự báo yếu kém, báo cáo không đúng thực trạng sử dụng vốn, đầu tư phát triển thêm DN và mỗi lần báo cáo là một số liệu khác nhau.

Năm 2009 và quý I-2010 thua lỗ nhưng Vinashin vẫn báo cáo lãi. Cũng vì giám sát theo kiểu “cha chung không ai khóc”, các tập đoàn như Vinashin, Vinalines, Sông Đà… trước khi xảy ra bê bối vẫn được xếp hạng A. Hay như với EVN, cũng vì những bất cập trong giám sát nên dù đang thua lỗ, nợ chồng chất nhưng kết quả Kiểm toán Nhà nước công bố năm 2011 cho thấy lương của cán bộ nhân viên một số bộ phận tập đoàn này vẫn “ngất trời” (năm 2010 thu nhập bình quân công ty mẹ 13,7 triệu đồng/người/tháng, cơ quan văn phòng thuộc tập đoàn gấp hơn 2 lần bình quân chung công ty mẹ).

Dự thảo nghị định trên quy định chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao (kế hoạch 5 năm và hàng năm) của DNNN nắm giữ 100% và trên 50% vốn điều lệ. Trách nhiệm báo cáo của các bộ, ngành, UBND tỉnh, hội đồng thành viên, chủ tịch công ty là đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại công ty cũng được quy định cụ thể về thời hạn báo cáo, tình hình giám sát, thực hiện kế hoạch được giao (với DN 1 năm phải báo cáo 3 lần về kế hoạch thực hiện 6 tháng, 1 năm, năm tiếp theo). Việc xử lý cũng được quy định chặt chẽ.

Theo đó, nếu DNNN không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, cơ quan thực hiện giám sát báo cáo cấp có thẩm quyền và kiến nghị các hình thức xử lý về hành chính (2 kỳ liền không có báo cáo, đề nghị hình thức cảnh cáo; 3 kỳ liền không có báo cáo, đề nghị chuyển công tác những người có liên quan thực hiện nhiệm vụ khác).

Đối với trường hợp không thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ trong chiến lược, kế hoạch được giao, hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại DNNN chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sẽ bị xử lý phù hợp với quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng, bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Các tin khác