Tăng cường kết nối để vốn đến tay DNNVV

(ĐTTCO)-Tính đến đầu tháng 11-2016, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cuối năm 2015.

(ĐTTCO)-Tính đến đầu tháng 11-2016, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cuối năm 2015.

 

Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm gần 58%, tăng gần 14% so với cuối năm 2015; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm trên 42%, tăng gần 15% so với cuối năm 2015. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, cơ cấu tín dụng vẫn chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), DN xuất khẩu, DN có ứng dụng công nghệ cao.

Dồn vốn cho DNVVN

Trong cơ cấu tín dụng trên, hiện dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt 142.668 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ DNVVN chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 64% và đạt 91.539 tỷ đồng. Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 tại TPHCM ở mức 18%-20%, hiện các ngân hàng đang tăng tốc đẩy tín dụng ra thị trường nhưng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì thế, hiện các ngân hàng đang tiếp tục chương trình bơm vốn tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn, đặc biệt là DNVVN.

Cụ thể, nhằm tiếp sức cho DNVVN chủ động nguồn vốn trong dịp kinh doanh mùa tết, Viet Capital Bank dành 1.000 tỷ đồng cho vay với tỷ lệ 95% giá trị tài sản bảo đảm với lãi suất chỉ từ 7,8%/năm. Ngoài ra, các DNVVN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu còn được hưởng lãi suất vay ưu đãi ngắn hạn 4%/năm.

Theo đó, tùy theo từng lĩnh vực kinh doanh khác nhau của khách hàng và nhu cầu vay ngắn, trung hay dài hạn, Viet Capital Bank sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi khác nhau cho từng DN. Các DNVVN có thể thế chấp tài sản là bất động sản, đất đai và tài sản gắn liền với đất có diện tích từ 30m2 hoặc căn hộ chung cư diện tích tối thiểu 60m2. Ngoài ra, ngân hàng này có chương trình Tín dụng lộc phát với lãi suất chỉ 6,8%/năm, miễn phí 6 tháng phí chuyển khoản dịch vụ thu thuế và phát hành bảo lãnh điện tử với hàng hóa xuất nhập khẩu…

Tương tự, để đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của DN siêu vi mô, VietinBank tiếp tục gia hạn chương trình tín dụng “Hợp tác vươn xa” đến tháng 1-2017 nhằm đảm bảo cung cấp nguồn vốn ổn định cho khối DN này, giúp đơn vị yên tâm, ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh. Với chương trình này, VietinBank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5,8%/năm, cho vay trung, dài hạn từ 9,0%/năm cho khối DN này.

Phát huy vai trò bảo lãnh tín dụng

Thực tế cho thấy, mặc dù các ngân hàng cũng đã tuyên bố dành nhiều gói tín dụng cho các DNVVN, nhưng khối này vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Việc các DNVVN khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng có nguyên nhân chủ yếu là vì các DNVVN không có hoặc có tài sản thế chấp không lớn; các DNVVN thường không thực sự minh bạch về tài chính nên rất khó tiếp cận vốn của ngân hàng.

Thông thường, các DNVVN gặp khó khăn thường tìm đến Quỹ bảo lãnh tín dụng để được giúp đỡ. Bảo lãnh tín dụng là nghiệp vụ ngân hàng rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, chưa có nguồn lực hỗ trợ nhiều được cho cộng đồng DNVVN.

Thông qua nghiệp vụ này, các DNVVN có nhu cầu vay vốn, có khả năng phát triển nhưng không đủ điều kiện về tài sản bảo đảm có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, lãnh đạo Quỹ Bảo lãnh tín dụng TPHCM (HCGF) cho biết, hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DN của đơn vị này vừa qua có phần trầm lắng.

Theo đại diện HCGF, khi các dự án không đủ tiêu chuẩn tiếp cận vốn ngân hàng, DN thường tìm đến quỹ để được bảo lãnh vay vốn. Nếu phát sinh rủi ro nợ xấu, quỹ phải trả nợ thay cho DN. Tuy nhiên, với quy định hiện hành, để được quỹ bảo lãnh thì DN phải có tài sản thế chấp nên DN gặp khó khăn.

Để có thể giúp cho DN khối này có thể chạm được vốn ngân hàng một cách dễ dàng hơn, mới đây, HCGF đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương nhằm giúp các DNVVN tại TPHCM tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ tư vấn cho các DNVVN xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh, tư vấn về quản lý tài chính, tư vấn về công nghệ, tiếp cận mặt bằng để sản xuất kinh doanh và đặc biệt là tạo điều kiện cho các DNVVN có điều kiện cũng như nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Tuy nhiên, HCGF hợp tác với ngân hàng là để HCGF hỗ trợ DN trong việc lập dự án, hoàn tất các thủ tục để DN có thể tiếp cận nhanh nhất vốn vay ngân hàng nhờ việc giúp rút ngắn thời gian thẩm định của ngân hàng. HCGF vẫn phải đảm bảo sự minh bạch và ngân hàng phải chịu trách nhiệm về thẩm định cho vay.

Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT HCGF cho biết, thông qua hợp tác này, HCGF và ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ từ khâu thẩm định cho vay, theo dõi việc triển khai dòng vốn, thu hồi nợ và xử lý các rủi ro phát sinh chứ không như trước đây, sau khi Quỹ thẩm định, phát hành chứng thư bảo lãnh rồi ngồi chờ, ngân hàng cứ thả cho DN tự lo đến khi DN không trả nợ được thì “nắm” quỹ bảo lãnh.

“Mục tiêu chính của sự hợp tác giữa HCGF và ngân hàng là nhằm giúp ngân hàng bảo toàn vốn của ngân hàng, của khách hàng vay vốn và quỹ cũng bảo toàn được vốn Nhà nước giao cho Quỹ quản lý để thực hiện công tác bảo lãnh. Và trên hết là có thể giúp các DNVVN tiếp cận được nguồn vốn để phát triển một cách nhanh nhất”, ông Lãm nhấn mạnh.

Ông Lãm cũng cho biết, hiện Chính phủ đang điều chỉnh những quy định cản trở hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng theo hướng không đặt nặng điều kiện bảo lãnh cần tài sản thế chấp. Do đó, việc hợp tác trên nhằm giúp HCGF và ngân hàng hợp tác chặt chẽ, trong đó có vấn đề trao đổi nghiệp vụ để hỗ trợ DNVVN vay vốn cũng như chuẩn bị cho những sửa đổi quy định trong thời gian tới.

Ông Hoàng Đình Thắng, Giám đốc HCGF cho biết, trong năm 2016, HCGF đã tiếp cận 200 lượt DN, tư vấn tài chính và lập thuyết minh 29 dự án với tổng mức đầu tư 4.231 tỷ đồng và tổng vốn vay là 2.271 tỷ đồng, đã hoàn tất và chuyển cho chủ đầu tư 15 dự án với tổng mức đầu tư 1.623 tỷ đồng và tổng mức vốn vay trên 936 tỷ đồng. Đến nay đã có 8 dự án đã được ngân hàng đồng ý cho vay hoặc chủ đầu tư tự đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 813 tỷ đồng và tổng mức vốn vay trên 360 tỷ đồng.

Các tin khác