Trước thực tế này, nhiều địa phương đã chủ động có những phương án tăng cường biện pháp mạnh để khống chế dịch bệnh và điều chỉnh nhiều biện pháp phòng chống.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
F0 tăng nhanh
Sở Y tế TPHCM thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các quận, huyện có số ca F0 tăng cao như 12, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh… Qua kiểm tra, ngành y tế cho rằng hầu hết các ca bệnh được phát hiện từ các công nhân làm việc tại các khu công nghiệp cư ngụ tại các khu trọ trên địa bàn.
Tại huyện Hóc Môn, ngay sau khi phát hiện 9 ổ dịch Covid-19 mới tại xã Xuân Thới Thượng và xã Bà Điểm, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp dập dịch. Đến ngày 7-11, kết quả lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 729 người dân cho thấy 81 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Để chủ động hỗ trợ địa phương sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, Sở Y tế phối hợp Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) điều động 15 trạm y tế lưu động từ quận Bình Tân sang tăng cường cho huyện Hóc Môn. Bên cạnh đó, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Hồi sức - Bệnh viện (BV)Trung ương Huế và BV dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 14 tăng cường hội chẩn, hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 nặng cho BV huyện Hóc Môn.
Tại quận 12, từ ngày 23-10 đến nay đã ghi nhận hơn 8.000 trường hợp F0. Riêng tại phường Hiệp Thành ghi nhận hơn 1.200 trường hợp. Theo lãnh đạo quận 12, các ca mắc mới tập trung chủ yếu ở công nhân, người dân sống ở các khu nhà trọ. Quận 12 đã giám sát và theo dõi, chăm sóc điều trị tại nhà cho 5.643 trường hợp đủ điều kiện cách ly. Còn tại huyện Bình Chánh, từ đầu tháng 10 đến nay, toàn huyện có 6.201 ca F0 được phát hiện bằng test nhanh kháng nguyên và RT-PCR. Trong đó, số ca F0 cao nhất thuộc 3 xã Vĩnh Lộc A, Phạm Văn Hai và Lê Minh Xuân, do sự hoạt động trở lại của các khu công nghiệp tại đây. Hiện huyện Bình Chánh vẫn còn 8 trạm y tế lưu động do lực lượng quân y hỗ trợ để quản lý và chăm sóc F0.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong bối cảnh công nhân cư ngụ tập trung tại các khu trọ là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ tại các khu công nghiệp và khu nhà trọ công nhân. Các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên đánh giá và nắm chắc các nguồn lây nhiễm. Bên cạnh đó, rà soát những trường hợp chưa tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 để có kế hoạch tiêm cho những trường hợp này; tính toán nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch sớm thành lập các trạm y tế lưu động tương ứng với số lượng F0 mới để có thể hỗ trợ kịp thời cho người bệnh khi lực lượng quân y rút khỏi địa phương.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Trung bình mỗi ngày TPHCM ghi nhận từ 900 đến 1.000 ca mắc Covid-19 mới. Hiện các BV trên địa bàn đang điều trị cho hơn 11.000 bệnh nhân, hơn 31.000 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Số ca F0 mới phải nhập viện đang cao hơn số ca được điều trị khỏi, xuất viện mỗi ngày.
Qua thống kê giám sát đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới và số ca nhập viện ở các BV tầng 2 tại TPHCM tăng nhẹ trong 2 tuần gần đây, đặc biệt tại những quận, huyện có nhiều khu công nghiệp. Độ phủ vaccine của TPHCM đã tương đối cao; tuy nhiên hiện nay rất nhiều người từ các tỉnh trở lại TPHCM học tập, làm việc nhưng chưa được tiêm vaccine nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây nhiễm khá cao.
Đoàn công tác của Sở Y tế kiểm tra thực tế các khu vực có các hộ gia đình cách ly tại nhà ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, sau hơn 1 tháng thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TPHCM về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tạm ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp.
Đến ngày 8-11, toàn thành phố đã có 13 quận, huyện đạt tiêu chí vùng xanh (cấp độ 1 - nguy cơ thấp), 7 quận, huyện trong vùng vàng (cấp độ 2 - nguy cơ trung bình) và huyện Cần Giờ, Nhà Bè trong vùng cam (cấp độ 3 - nguy cơ cao) trên bản đồ Covid-19.
“Đánh giá chung toàn thành phố đang ở vùng vàng, thuộc cấp độ trung bình của dịch Covid-19. Giám sát diễn biến dịch bệnh mỗi ngày cho thấy, số ca mắc mới đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế có xu hướng tăng nhẹ trở lại trong thời gian gần đây. Sở Y tế đã hình thành các đội phản ứng nhanh cho hoạt động điều tra, kiểm soát dịch do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đảm trách và kích hoạt các trạm y tế lưu động với lực lượng các y, bác sĩ dự bị do các trung tâm y tế và các bệnh viện đảm trách”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết.
Nâng mức cảnh báo với dịch Theo ông Nguyễn Lê Trọng Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Hóc Môn, địa phương đang nỗ lực kiểm soát sự lây nhiễm dịch bằng nhiều biện pháp. Người dân khi có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 cần liên hệ ngay với các tổ phản ứng nhanh qua đường dây nóng. Tổ phản ứng nhanh lập tức có mặt để test nhanh cho cả gia đình. Ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch UBND phường 7 (quận Gò Vấp), cho biết, phường tiếp tục duy trì hoạt động của trạm y tế lưu động với nhân lực 6 y, bác sĩ cùng các đội tình nguyện viên. Nếu có trường hợp F0, phường sẽ dán biển cảnh báo, lực lượng y tế và tổ Covid-19 cộng đồng được kích hoạch nhằm giám sát chặt, không cho lây nhiễm ra ngoài cộng đồng. QUANG HUY |