Thời gian vừa qua, việc thu hồi tài sản trong các vụ án này tuy có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa nhiều, đòi hỏi phải có những thay đổi để đạt hiệu quả cao hơn.
Nhà đất số 129 Pasteur (quận 3, TPHCM) vừa được cưỡng chế thi hành án trong vụ Phan Văn Anh Vũ
Kết quả vẫn còn thấp
Cục Thi hành án dân sự TPHCM vừa tổ chức cưỡng chế nhà đất tại 129 Pasteur (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) để bàn giao cho Bộ Công an theo các bản án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ. Thửa đất 129 Pasteur diện tích 2.264m2, có căn nhà 3 tầng, được định giá tài sản là 3.300 tỷ đồng. Đây là việc thi hành án được Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự quận 3 (TPHCM) thực hiện. Sau đó, Cục Thi hành án dân sự TPHCM rút hồ sơ lên và trực tiếp thi hành án. Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự TPHCM cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục thi hành án một số tài sản lớn trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Tại TPHCM, năm 2021 có 262 việc cần thi hành án, với tổng số tiền cần thu hồi là hơn 58.000 tỷ đồng. Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án này thời gian qua có chuyển biến tích cực. Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM Nguyễn Văn Hòa cho biết, trong 5 tháng (từ tháng 10-2021 đến hết tháng 2-2022), số tiền thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã đạt trên 5.000 tỷ đồng, chiếm 91% cả nước.
Trong khi đó, tại TAND TPHCM, năm 2021 đã xét xử nhiều vụ án trọng điểm, như vụ án Lê Tấn Hùng và đồng phạm liên quan đến sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; vụ án Tất Thành Cang và đồng phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí... Ngoài số tiền các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu hồi trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, hơn 1.200 tỷ đồng thiệt hại đã được khắc phục toàn bộ.
Nhà đất số 129 Pasteur quận 3 vừa được cưỡng chế thi hành án trong vụ Phan Văn Anh Vũ
Chuyển biến trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ ở TPHCM nằm trong xu hướng chung của cả nước, khi tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ngày càng tăng. Nghị quyết 96/2019 của Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%.
Mục tiêu này là thách thức không nhỏ, khi trong thời gian khá dài (2005-2013), tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 8%. Giai đoạn 2013-2020, tỷ lệ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt đã tăng lên 32,04%. Đây là một bước tiến đáng kể, nhưng kết quả vẫn còn rất thấp. Con số 5.000 tỷ đồng thu hồi trong 5 tháng của Cục Thi hành án dân sự TPHCM dù chiếm tới 91% của cả nước, nhưng thực tế chỉ đạt tỷ lệ 16,13% số tiền có điều kiện thi hành. Nếu xét về số vụ thì cũng mới chỉ thi hành được 12,4% số việc có điều kiện thi hành.
Quyết tâm thi hành án
Thực tế đang đặt ra yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Đặc biệt là khi tới đây, TAND các tỉnh, thành phố sẽ đưa ra xét xử nhiều vụ án trọng điểm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Dự báo, số việc và số tiền phải thi hành sẽ rất lớn.
Hiện nay, quy trình thu hồi tài sản tham nhũng tại Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào việc thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật. Khi đó, sau một quá trình điều tra, truy tố, xét xử, tội phạm đã có thời gian tẩu tán tài sản. Nhiều chuyên gia đã đề xuất giải pháp thúc đẩy việc xử lý tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc hợp pháp; xử lý hình sự hành vi làm giàu bất hợp pháp.
Một nguyên nhân khác khiến việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ gặp khó khăn là do những bất cập trong công tác phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong thu hồi tài sản tham nhũng. Các quy định về quản lý đất đai, kinh doanh, ngân hàng cũng còn nhiều lỗ hổng, phức tạp, bị tội phạm lợi dụng để người thân đứng tên tài sản, tiến hành giao dịch để rửa tiền… Mới đây, Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi nội dung về cơ chế ủy thác.
Cụ thể, khi cơ quan thi hành án nhận bản án thì có cơ chế ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự địa phương khác để xử lý trong trường hợp các tài sản bị kê biên, phong tỏa trong vụ án ở nhiều địa phương khác nhau. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, quy định mới cho phép đồng thời xử lý tài sản tại nhiều địa phương sẽ giúp việc thu hồi tài sản tham nhũng được nhanh, triệt để hơn, khắc phục được điểm nghẽn này.
Trong khi chờ đợi hoàn thiện các quy định, thì quyết tâm, nỗ lực thi hành án là điều rất cần thiết. Lãnh đạo Tòa Hình sự TAND TPHCM, Cục Thi hành án dân sự TPHCM đều cho biết đã đề ra biện pháp xử lý đối với các trường hợp không tích cực trong thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Tại phiên họp hồi tháng 1-2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổng kết, ở các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ năm 2013 đến nay đã thu hồi được hơn 31.000 tỷ đồng (đạt gần 33,4%); trong đó, năm 2021 đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng. Nhiều vụ án có tỷ lệ thu hồi tài sản cao, như vụ AVG thu hồi toàn bộ số tiền nhận hối lộ (137,6 tỷ đồng), số tiền thiệt hại cho Nhà nước (8.776 tỷ đồng). Vụ án Giang Kim Đạt xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinline đã thu giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản có giá trị trên 300 tỷ đồng; vụ án Trịnh Xuân Thanh xảy ra tại PV Land thu hồi 45,2 tỷ đồng... |