Vai trò cụ thể của các địa phương trong kỳ thi như thế nào, trách nhiệm của
Bộ GD-ĐT đến đâu...? Để làm rõ những vấn đề này, SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Mai Văn Trinh (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, khác với kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Chính phủ giao các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020?
UBND các tỉnh sẽ thành lập các hội đồng thi, do sở GD-ĐT địa phương chủ trì, để tổ chức thi cho tất cả thí sinh của tỉnh; duyệt phương án, kế hoạch và kinh phí tổ chức kỳ thi do sở GD-ĐT trình; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho sở GD-ĐT, thanh tra tỉnh, công an tỉnh và các sở ban ngành có liên quan của tỉnh, UBND cấp huyện về tổ chức kỳ thi. UBND tỉnh cũng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tất cả các khâu tổ chức kỳ thi: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Cán bộ coi thi sẽ là giáo viên của tỉnh với sự đổi chéo giáo viên giữa các trường trong tỉnh.
Như vậy, khâu tổ chức coi thi, chấm thi đều do địa phương đảm nhận. Các địa phương chủ động tổ chức kỳ thi theo quy chế và văn bản hướng dẫn của bộ. Ngày 9 và 10-6, bộ sẽ tổ chức tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho 63 sở GD-ĐT, lực lượng công an, an ninh trên toàn quốc nhằm quán triệt quy chế thi và tập huấn nghiệp vụ để triển khai tổ chức kỳ thi tốt nghiệp an toàn, nghiêm túc.
- Trước đây, kỳ thi THPT quốc gia, có 50% giám thị là giảng viên các trường đại học được điều động về các địa phương coi thi. Năm nay, lực lượng này đã rút hoàn toàn do mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Vậy, làm thế nào để đảm bảo kết quả của kỳ thi là khách quan, công bằng?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay về cơ bản vẫn giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, với các quy định về quy trình coi thi, chấm thi, lắp camera giám sát khu vực bảo quản bài thi, chấm thi…
Tuy không tham gia trực tiếp vào khâu coi thi, chấm thi nhưng cán bộ của các trường đại học sẽ tham gia vào các đoàn thanh tra của bộ, của sở GD-ĐT để thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Năm nay, Chính phủ giao các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi, nên công tác thanh tra, kiểm tra cũng thay đổi.
Điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm nay là có thêm lực lượng thanh tra cấp tỉnh. Cùng với đó, mỗi điểm thi, tùy quy mô số lượng phòng thi, có ít nhất 3 cán bộ giảng viên đại học về thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Bộ GD-ĐT cũng đã họp với Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an để phối hợp với ngành giáo dục trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho kỳ thi.
Cán bộ coi thi sẽ là giáo viên của tỉnh với sự đổi chéo giữa các trường trong tỉnh. Cụ thể, trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi không cùng thuộc một trường phổ thông; mỗi phòng thi bảo đảm bố trí 2 cán bộ coi thi ở 2 trường phổ thông khác nhau. Tất cả các thành phần trong điểm thi không được làm nhiệm vụ tại điểm thi nếu có học sinh lớp 12 của trường mình dự thi trong năm tổ chức thi; mỗi cán bộ coi thi sẽ không coi thi quá 1 lần tại một phòng thi.
- Còn công tác chấm thi thì sao, thưa ông?
- Bộ tiếp tục chỉ đạo chấm bài thi trắc nghiệm bằng máy tính với phần mềm chung của bộ, có sự giám sát của hệ thống camera để đảm bảo an toàn, nghiêm túc, khách quan, ngăn chặn tối đa gian lận, tiêu cực. Địa phương chủ trì công tác chấm thi với quy trình chặt chẽ, có sự giám sát của con người và thiết bị kỹ thuật. Đặc biệt, năm nay bộ yêu cầu các tỉnh công khai minh bạch phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử để bộ làm căn cứ đối sánh, đánh giá kết quả thi.
- Liệu những giải pháp đó đã đủ để xã hội yên tâm về một kỳ thi tốt nghiệp THPT khách quan, trung thực, an toàn?
- Dù chủ tịch UBND tỉnh thành phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương mình nhưng Bộ GD-ĐT với trách nhiệm rất lớn trong kỳ thi đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể như, bộ đã chỉ đạo công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá trong quá trình một cách nghiêm túc, trong đó, đã triển khai áp dụng học bạ điện tử để quản lý kết quả học tập của học sinh.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ công bố công khai kết quả học tập trong quá trình của học sinh với kết quả thi tốt nghiệp THPT; sẽ phân tích mối tương quan giữa điểm học tập và điểm thi để từ đó phát hiện các bất thường (nếu có) và có giải pháp xử lý phù hợp. Sẽ tiếp tục sử dụng các bài thi trắc nghiệm (trừ bài thi Ngữ văn).
Với các giải pháp trên, tôi cho rằng điều kiện để hướng tới tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng đã bảo đảm về cơ bản. Nhưng điều kiện quan trọng nhất ở đây chính là ý thức trách nhiệm, phẩm chất, năng lực của các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi và ý thức tham gia kỳ thi của các thí sinh.
Ngày 9-6, tại TPHCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra từ ngày 8-8 đến ngày 10-8. Điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là tổ chức đồng thời 2 bài thi tổ hợp KHTN và KHXH trong cùng buổi sáng, do đó thí sinh chỉ được chọn một trong hai bài thi tổ hợp; khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 là thí sinh có thể đăng ký dự thi 1 hoặc cùng lúc 2 bài thi tổ hợp với thời gian thi khác nhau. Theo Bộ GD-ĐT, thời gian đăng ký dự thi diễn ra từ ngày 15-6 đến hết ngày 30-6. Các đơn vị in và trả giấy báo dự thi cho thí sinh chậm nhất ngày 1-8. Công tác chấm thi dự kiến hoàn thành chậm nhất vào ngày 26-8. Các sở GD-ĐT, hội đồng thi công bố kết quả vào ngày 27-8. Trường phổ thông hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp chậm nhất ngày 30-8... Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cả nước có 64 hội đồng thi của 63 tỉnh, thành phố và một hội đồng thi của Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng). THU TÂM |