Buổi học trực tuyến của học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)
Dạy trực tiếp và gián tiếp
Các trường THCS trên địa bàn TPHCM triển khai dạy học trực tuyến bằng nhiều hình thức khác nhau. Tại Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp), thời khóa biểu trực tuyến được tổ chức 5 buổi/tuần, mỗi buổi học không quá 4 tiết, trải đều từ thứ hai đến thứ sáu. Một cách làm khác, Trường THCS Bình Thọ (TP Thủ Đức) phân chia thời khóa biểu lệch ca theo hình thức các buổi sáng ngày chẵn kết hợp buổi chiều ngày lẻ hoặc ngược lại. Như vậy, mỗi ngày học sinh sẽ có một buổi học tương tác trực tiếp với giáo viên qua phần mềm dạy học, chia đều các buổi học sáng, chiều.
Tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), thời lượng học online nhiều hơn với lịch học 2 buổi/ngày, mỗi buổi học không quá 3 tiết, kéo dài từ thứ hai đến thứ sáu. Tuy nhiên, ở các huyện ngoại thành, do hạn chế về đường truyền mạng và thiết bị dạy học nên nhiều trường chọn hình thức dạy học qua clip bài giảng kèm phiếu học tập gửi qua mail, Zalo, Viber... cho học sinh. Học sinh được yêu cầu hoàn thành các phiếu học tập rồi gửi lại cho giáo viên để được nhận xét, rút kinh nghiệm.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, cả hai hình thức dạy học qua livestream, không kết hợp giao nhiệm vụ học tập và quay clip bài giảng, nhưng không tổ chức cho học sinh tương tác trực tiếp với giáo viên đều khiến dạy học qua Internet không đạt hiệu quả. Đại diện Sở GD-ĐT thành phố nhấn mạnh, để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, giáo viên cần kết hợp dạy học theo hình thức livestream với nhiều hoạt động khác như gửi tài liệu học tập, giao nhiệm vụ, tổ chức dự án thông qua hệ thống quản lý học tập chung của nhà trường.
Theo đánh giá của các giáo viên, dạy học livestream có ưu điểm là giúp học sinh có cơ hội tương tác trực tiếp với giáo viên, tuy nhiên ngồi học lâu trên máy tính khiến các em mệt mỏi, về lâu dài ảnh hưởng đến thị lực, cột sống, hô hấp... Ngược lại, hình thức học tập qua clip bài giảng tuy có ưu điểm là không giới hạn về thời gian, khắc phục tình trạng nghẽn đường truyền mạng, học sinh có thể xem đi xem lại bài giảng nhiều lần, song nhược điểm là người học chỉ tiếp nhận kiến thức một chiều, thiếu sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Vì vậy, để tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức cho học sinh, tùy vào tình hình thực tế, giáo viên cần kết hợp cả hai hình thức dạy học trực tiếp và gián tiếp qua Internet.
Tư vấn, trợ giúp tâm lý cho học sinh
Ở bậc THPT, phương pháp dạy học trực tuyến đã được các trường thực hiện ổn định từ học kỳ 2 năm học 2020-2021 nên không có nhiều bỡ ngỡ đối với giáo viên và học sinh. Năm nay, xác định dạy học trực tuyến là phương pháp học tập chính thức, có thể triển khai lâu dài đến hết học kỳ 1 nên bên cạnh các hoạt động học tập, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) còn quan tâm đời sống tinh thần học sinh thông qua việc triển khai các câu lạc bộ nhằm tạo thêm sân chơi kỹ năng, giúp học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi ở nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, từ ngày 14-9, Đoàn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân triển khai cuộc thi viết với chủ đề “Năm học mới trong đại dịch”. Cuộc thi nhằm giúp học sinh có cơ hội bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân khi trải qua học kỳ trực tuyến đầu tiên ở nhà cũng như chia sẻ những kỷ niệm, tình cảm với người thân, bạn bè trong thời gian giãn cách; đặc biệt là lời tri ân gửi đến lực lượng y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Với cách làm khác, từ đầu tháng 9-2021, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) khởi động cuộc thi “Học sinh nghiên cứu khoa học năm học 2021-2022”, tạo điều kiện để học sinh tận dụng thời gian rảnh trong lúc học trực tuyến tại nhà có thể triển khai các đề tài nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực gồm toán học, khoa học xã hội, kỹ thuật cơ khí, khoa học môi trường, robot…
Theo TS Nguyễn Thanh Hải, Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ), cụ thể, tại Mỹ, trong thời gian dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh, giáo viên chỉ dạy 1 buổi/ngày, buổi còn lại dành thời gian tư vấn, trợ giúp tâm lý cho học sinh, trường học giảm các yêu cầu học tập, thay vào đó đẩy mạnh tương tác với học sinh. Tương tự, tại nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, trường học đã thông qua các ứng dụng liên lạc điện tử giúp học sinh và giáo viên duy trì trao đổi, qua đó kịp thời phát hiện những bất ổn về cảm xúc khi trẻ buộc phải học tập và sinh hoạt trong môi trường hạn chế. Đặc biệt thời gian này, vai trò của giáo viên tư vấn tâm lý học đường và giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng trong việc đồng hành và hướng dẫn học sinh vượt qua khó khăn học tập. |