Hướng đề xuất của Chính phủ là tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40h lên 72h và nâng tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300h trong một năm mà không giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho người lao động và người sử dụng lao động trong hơn 2 năm qua, góp phần cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội đất nước.
Gần 10 năm làm công nhân tại Xí nghiệp sơ mi, Tổng công ty May 10, ở quận Long Biên, Hà Nội chị Nguyễn Thị Thương và đồng nghiệp đã rất quen với việc tăng ca, làm thêm giờ. Thông thường, thời gian làm thêm của chị Thương khoảng 1h/mỗi ngày - có nghĩa ngày lao động của chị kéo dài từ 8 lên 9h. Tuy nhiên từ tháng 2 đến nay, công ty có những đơn hàng gấp, trong khi Xí nghiệp lại có nhiều lao động trở thành F0, phải nghỉ hàng loạt.
Chị Nguyễn Thị Thương và đồng nghiệp cùng dây chuyền đã thống nhất cùng làm thêm 2 giờ/mỗi ngày để kịp lô hàng. Trong 2 tiếng làm thêm cuối ngày, chị Thương nhận mức lương cao gấp rưỡi (150%) so với lương cho 8 giờ làm chính thức trong ngày. Ngoài ra, chị và đồng nghiệp cũng có thêm khoản phụ cấp, thưởng định mức, được thêm một bữa ăn ca, bữa phụ… trong ngày.
Về đề xuất nới "trần" giờ làm thêm tháng từ mức 40h lên 72h đang được đưa ra xem xét, chị Thương chia sẻ: Lâu nay, mỗi khi có đợt hàng gấp, công ty huy động làm thêm, hầu hết người lao động tại xí nghiệp đều sẵn sàng làm thêm và thời điểm này chị có làm thêm cả tháng, mỗi ngày làm thêm 2 tiếng chị vẫn có thể đáp ứng được công việc.
"Mỗi tháng lương em được 10 triệu đồng. Tháng nào làm thêm khoảng 1 tuần, mỗi ngày 1-2 tiếng thì thu nhập được 12 đến 12,5 triệu đồng. Em còn trẻ nên không ngại làm tăng ca cũng vừa là cống hiến cho công ty vừa có thêm thu nhập để chăm lo cho 2 đứa con….Nếu làm thêm 2h/ngày, em có thể làm cả tháng được", chị Thương cho biết.
Chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thương cũng là mong muốn của anh Nguyễn Như Trường, Công ty cổ phần Catalan- đơn vị chuyên sản xuất gạch ốp lát, ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh: "Bản thân chúng tôi cũng mong muốn có thêm thu nhập khi chúng tôi làm thêm giờ. Hiện trung 1 tuần làm việc thì 1 ca hiện tại của chúng tôi chỉ thêm từ 1 tiếng đến 1,5 tiếng. Bình quân 1 tháng chúng tôi làm thêm 20 đến 22 ngày. Và nếu điều kiện có thể cho phép thì chúng tôi mong muốn được làm thêm từ 2 tiếng đến 2,5 tiếng/một ngày và từ 23 đến 24 ngày/tháng, bởi chúng tôi cần khoảng thời gian để tái tạo sức lao động".
Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động được phép thoả thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, đồng thời chỉ có một số ngành, nghề, công việc (như dệt may, da, giày, chế biến thuỷ, hải sản…) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm. Tuy nhiên, trong thời gian ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, do thiếu hụt lao động, một bộ phận lao động áp dụng “3 tại chỗ” có nhu cầu làm thêm quá 40 giờ trong một tháng để bù cho lực lượng lao động thiếu hụt.
Bên cạnh đó, khi tổ chức sản xuất trở lại, nhiều doanh nghiệp và người lao động cũng mong muốn được thoả thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc, với nhu cầu làm thêm trên 40 giờ/tháng và từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm, mà không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Catalan, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hai năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Năm 2021, nằm ở "điểm nóng" Yên Phong, công ty phải dừng, giãn việc kéo dài khi thực hiện giãn cách xã hội. Sang 2022, nhiều thời điểm, công ty thiếu nhân lực cục bộ vì nhiều lao động trở thành F0. Là đơn vị có thế mạnh làm hàng xuất khẩu, chiếm tới 15% thị phần xuất khẩu gạch ốp lát tại Việt Nam, doanh nghiệp đang trông đợi vào đề xuất "cấp cứu" tăng giờ làm thêm để chạy đua cho những đơn hàng xuất đi Châu Âu đã ký kết.
"Đặc trưng của gạch ốp lát chúng tôi là sản phẩm nung ở nhiệt độ trên 1000 độC. Chính vì thế, chúng tôi không thể nay khởi động mai dừng được...Chúng tôi kiến nghị Nhà nước nên điều chỉnh tăng giờ lêm thêm theo năm để doanh nghiệp có thể linh hoạt, chủ động hơn cho hoạt động sản xuất", ông Nguyên nói.
Tương tự, tại Tổng công ty May 10, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Toàn Công ty có trên 12.000 lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp thành viên ở 8 tỉnh, thành phố. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, tiến độ giao hàng cũng như đời sống, thu nhập của công nhân, người lao động tại công ty.
Chỉ tính từ sau Tết đến nay, bình quân các xí nghiệp, phân xưởng, số người lao động F0 đã chiếm khoảng 40%. Nhiều công nhân F0 phải nghỉ cả chục ngày, các dây chuyền, năng suất đều giảm tới 50-70%, khiến các đơn hàng bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp đã phải làm việc lại với nhiều các đối tác để xin kéo dài thời gian giao hàng. Vì vậy, tăng giới hạn giờ làm thêm lúc này là giải pháp cần thiết giúp doanh nghiệp tăng tốc, bù lại khoảng thời gian đã bị thiếu hụt vừa qua.
"Ngành may chúng tôi thời vụ cao điểm kéo dài 6 đến 7 tháng. Mặc dù Luật cho phép làm 300 giờ/năm, nhưng nhiều đơn vị nhu cầu làm thêm giờ mùa vụ cao hơn. Phía doanh nghiệp chúng tôi mong muốn linh hoạt trong chính sách giờ làm thêm. Chúng ta không nên bị bó trong 40h/tháng nữa (bình quân khoảng 1,5 giời mỗi ngày nữa) mà nên nới rộng hơn, ít nhất không quá 60h/tháng. Tổng mức giờ làm thêm trong năm chúng tôi đang được hưởng mức 300h/năm và chúng tôi đề xuất nâng lên 400h/năm", ông Long cho hay.
Xuất phát từ thực tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.
Về thời gian áp dụng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất được thực hiện đến hết ngày 31/12/2022 – có nghĩa việc tăng giờ làm thêm sẽ chỉ là tạm thời, trong thời gian ngắn và trước mắt thực hiện trong năm 2022.
Đây là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách hỗ trợ đời sống nhân dân, người lao động. Đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt việc bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.